Cấp margin cho 1 mã CP, rủi ro kép

Cấp margin cho 1 mã CP, rủi ro kép

(ĐTCK) Không phải tỷ lệ được vay nâng lên, mà thực tế cho vay dễ dãi so với thông lệ quốc tế đang khiến TTCK Việt Nam rủi ro hơn.

Cấp Margin cho chỉ 1 mã: chuyện thường

Từ ngày 1/2/2012, tỷ lệ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) được nâng lên mức 50:50. Cho vay margin là hình thức cấp tiền mặt cho một NĐT dựa trên tài sản đảm bảo là cổ phiếu, với một tỷ lệ tiền mặt/giá trị cổ phiếu tối thiểu nhất định. Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay margin, các tổ chức tài chính tại các TTCK phát triển thường yêu cầu tài sản cầm cố là một danh mục cổ phiếu gồm nhiều mã khác nhau. Trường hợp tài sản cầm cố là một mã cổ phiếu duy nhất sẽ bị coi là khoản vay thương mại, do các ngân hàng thương mại quản lý và chịu lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay margin. Nhưng tại Việt Nam , việc CTCK cấp margin cho một mã cổ phiếu hiện nay rất phổ biến.

Cách cho vay này dẫn tới áp lực giảm giá kép mỗi khi có thông tin tiêu cực liên quan đến cổ phiếu đó: vừa giảm giá do thông tin tiêu cực, vừa giảm giá do áp lực giải chấp. Trong khi đó, cổ phiếu được margin nhiều thường là những mã đầu cơ, có tính dẫn dắt thị trường, có thể khiến thị trường sụt giảm nhanh.

Cấp margin cho 1 mã CP, rủi ro kép ảnh 1

Cứ có tài sản thế chấp là sẽ được vay

Một lãnh đạo ngân hàng Tây Âu, chuyên cấp các khoản vay cho nhiều hãng môi giới chứng khoán ở Singapore, hiện đang xúc tiến các hoạt động tại Việt Nam nói: “Nếu cấp margin cho một danh mục, hãng môi giới có thể bán cổ phiếu B để bù cho khoản giảm giá trị của cổ phiếu A, nhưng nếu cấp margin cho một mã duy nhất thì rất rủi ro”.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBS, trên TTCK Việt Nam hiện nay, cho vay margin được thực hiện miễn là NĐT có tài sản đảm bảo và việc cấp margin cho một mã cổ phiếu duy nhất là chuyện “rất thường xuyên” cho hầu hết đối tượng NĐT.

Nói về cách cho vay này, lãnh đạo một CTCK có tiếng về hoạt động cho vay margin, trụ sở ở Hà Nội thừa nhận, đúng là những khoản cho vay với một mã cổ phiếu duy nhất phải được xem là khoản vay thương mại, do ngân hàng quản lý và chịu các điều khoản khắt khe hơn. Đặc biệt là đối với trường hợp lãnh đạo của các công ty niêm yết đem cổ phiếu của công ty mình đi vay margin.

“Theo quy tắc quản trị rủi ro thì những cổ phiếu này phải được đem thế chấp cho ngân hàng, nhưng những lãnh đạo này bằng nhiều cách vẫn đem thế chấp cho CTCK để vay margin. Không loại trừ khả năng, họ vay margin để tác động đến giá cổ phiếu của công ty mình”, ông nói.

 

Nguy cơ đổ vỡ

Trao đổi với ĐTCK, cố vấn đầu tư của một quỹ Tây Âu đầu tư vào Việt Nam , quy mô 10 triệu USD nhận xét: “Ở TTCK Việt Nam , mọi người đi vay rất dễ” và trong một số trường hợp, lãnh đạo các tổ chức tài chính có động cơ cá nhân trong việc cho vay.

“Ở giai đoạn đầu của TTCK Việt Nam, việc đó rất nguy hiểm, khi mà nhiều người chưa hiểu biết về rủi ro. Cơ bản là họ không nhận thức được đầy đủ họ đang làm gì”, ông nói và nêu ra một số trường hợp đổ vỡ kinh điển trên TTCK thế giới do margin.

Đơn cử, Công ty dệt Polly Peck International (PPI) của Anh cùng với CEO Asil Nadir là một hiện tượng của TTCK Anh, với tốc độ tăng trưởng nhanh, đưa vốn hóa của Công ty từ 300.000 bảng Anh lên 1,7 tỷ bảng Anh trong vòng 10 năm. Hình ảnh của CEO Nadir cùng Công ty trong mắt NĐT tích cực tới mức, Polly có thể dễ dàng gọi vốn và vay nợ, các nghi vấn đặt ra bị dập tắt nhanh chóng bởi niềm tin của NĐT và các nhà cho vay vào nhân vật chỉ biết đến thắng lợi này. Tuy nhiên, đến năm 1988, những nghi vấn của cơ quan quản lý về việc sử dụng vốn cổ đông của Nadir bắt đầu xuất hiện.

Các báo cáo điều tra bí mật cho thấy, Nadir chuyển vốn của Công ty ra nước ngoài mà không bị các ngân hàng nghi ngờ hoặc gây khó dễ. Một cuộc khám xét công khai một công ty con của Nadir được tiến hành. Ngày 20/9/1990, các tổ chức cho vay đang giữ cổ phiếu PPI làm tài sản thế chấp cho các khoản vay margin của Nadir đã bán tháo 10 triệu cổ phiếu ra thị trường. Ngày 21/9/1990, một tổ chức khác bán tiếp 2,6 triệu cổ phiếu PPI ra thị trường, theo sau là hàng triệu cổ phiếu khác bị các tổ chức cho vay bán tháo. Khi đó, người ta mới phát hiện ra, Nadir đã đi vay margin của ít nhất 10 tổ chức cho vay và nói với từng tổ chức rằng, ông ta chỉ cầm cố cổ phiếu cho duy nhất tổ chức đó. Các tổ chức này tin tưởng và cho rằng, tỷ lệ đòn bẩy đối với mã cổ phiếu PPI trên thị trường là rất thấp, nên cho vay dễ dàng. Hệ quả, cổ phiếu của PPI từ một công ty lớn trên thị trường gần như biến thành giấy lộn chỉ trong vòng vài giờ.

 

Cần công khai thông tin

Ông Lân kiến nghị, đến lúc cần công bố tổng lượng margin từng mã cổ phiếu tại các CTCK hàng tuần. Cụ thể, để tránh rủi ro cho NĐT và các CTCK, thị trường cần biết tỷ lệ phần trăm cổ phiếu đang được cho vay margin/cổ phiếu lưu hành.

“Hiện nay, các CTCK chỉ nắm khối lượng cổ phiếu margin tại công ty mình, trong khi không thể định lượng con số thực tế trên cả thị trường. Khi cổ phiếu có tin xấu, rủi ro cục bộ sẽ biến thành rủi ro hệ thống. Nếu có con số này, CTCK sẽ căn cứ vào đó xác định mức độ rủi ro để quyết định có nên cấp margin cho cổ phiếu đó hay không”, ông Lân nói.

Ở TTCK nhiều nước, việc cho vay margin cho một cổ phiếu là rất thận trọng. Chẳng hạn, Ommonwealth Securities - hãng môi giới chứng khoán hàng đầu của Úc thuộc Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết, khách hàng có thể vay margin cho một mã cổ phiếu duy nhất. Tuy nhiên, Công ty sẽ giảm mạnh tỷ lệ cho vay đối với loại hình vay này. Ví dụ, Công ty có thể cho vay 75% hoặc hơn nếu khách hàng có từ 5 cổ phiếu trở lên thuộc Top 20 cổ phiếu hàng đầu của Sàn ASX trong danh mục. Tệ này sẽ giảm xuống 70% nếu số mã là 2 - 4 và giảm xuống còn 65% nếu khách hàng có một mã duy nhất.

Tại Việt Nam, từ năm ngoái, hệ số CAR được đưa ra để đo mức độ an toàn tài chính của CTCK, mức phạt cho hành vi thao túng giá cổ phiếu cũng sắp được nâng mạnh, nhưng những thương vụ cho vay dễ dàng vẫn diễn ra, dù nhiều CTCK bắt đầu ý thức rõ hơn về quản trị rủi ro trong công ty mình.

“Hiện nhiều CTCK ở Việt Nam vẫn nằm lửng lơ giữa mô hình công ty môi giới và ngân hàng đầu tư của nước ngoài. Cũng có công ty nỗ lực vươn tới một cơ chế hoàn chỉnh, nhưng điều đó cần nhiều thời gian và cả những định hướng của cơ quan quản lý”, lãnh đạo một CTCK có trụ sở ở Hà Nội nói.