Mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip theo quy định mới.

Mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip theo quy định mới.

Cấp đổi thẻ căn cước mới, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, câu hỏi đặt ra là nếu chủ doanh nghiệp hay người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Chủ tịch, Giám đốc) thay đổi thẻ căn cước công dân với các thông tin mới (số mới, ngày cấp mới) thì liệu có ảnh hưởng gì không?

“Căng mình” cấp căn cước mới

Ngày 23/1/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip. Bộ Công an đề ra mục tiêu sẽ cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021, trên tổng số hơn 97 triệu dân.

Để hoàn thành mục tiêu, cơ quan công an ở các địa phương đang triển khai mạnh mẽ hoạt động cấp loại thẻ căn cước mới này.

Điển hình như tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn 5764/UBND-NC triển khai cấp căn cước công dân gắn chip lưu động.

Thay vì chỉ được cấp ở công an cấp huyện, người dân có thể đến công an xã/phường để làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip; thậm chí công an còn “tăng ca” đến 10h tối để phục vụ nhu cầu cấp thẻ của người dân.

Triển khai Đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp của Bộ Công an, những ngày gần đây, rất đông người dân đã tập trung về trụ sở công an các quận, huyện và các điểm làm căn cước lưu động để thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước mới.

Trước nhu cầu làm thẻ căn cước của người dân rất lớn, cán bộ, chiến sĩ công an các quận, huyện đã "căng mình" thực hiện nhiệm vụ theo ba ca (sáng, chiều và tối). Quy trình cấp thẻ căn cước công dân mới hiện nay được thực hiện chặt chẽ, khoa học, mỗi người chỉ mất khoảng 10 phút để hoàn tất thủ tục.

Một điểm đáng chú ý đó là thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Thông tư 06 có hiệu lực (23/1/2021) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân theo quy định tại Thông tư 06. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày Thông tư 06 có hiệu lực thi hành thì vẫn còn nguyên hiệu lực pháp luật.

Quy trình cấp 10 phút, nhưng doanh nghiệp muốn thay đổi sẽ mất nhiều ngày

Luật Doanh nghiệp 2020 (hiệu lực thi hành từ 1/1/2021) quy định, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.

Tương tự, Giấy tờ pháp lý của cá nhân là một trong các loại giấy tờ sau đây: thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Luật Doanh nghiệp cũng quy định rằng, giấy tờ pháp lý của tổ chức là một trong các loại giấy tờ sau đây: quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tài liệu tương đương khác.

Theo Điều 28, Luật Doanh nghiệp 2020, nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm các nội dung chủ yếu sau: tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.

Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, khi thay đổi số giấy tờ pháp lý của cá nhân (trong trường hợp này là thẻ căn cước công dân có gắn chip kiểu mới) thì được coi là thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 28 nói trên và doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi (Điều 30, Luật Doanh nghiệp).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Điều 32, Luật Doanh nghiệp cũng quy định, doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (trong trường hợp này là thay đổi số giấy tờ pháp lý của cá nhân như căn cước công dân gắn chip) cũng phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thời hạn thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày kể từ ngày được công khai.

Như vậy, rất có thể sau khi căn cước công dân gắn chíp được cấp mới với số lượng lớn sẽ dẫn đến một “làn sóng” xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, tạo nên một khối lượng công việc lớn.

Đồng thời, có thể xảy ra tình huống mà một trường hợp cụ thể dưới đây là ví dụ khi anh Tuấn, một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội có nhu cầu mở tài khoản tại một ngân hàng cổ phần thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam kể lại câu chuyện mà doanh nghiệp anh đối mặt khi đi mở tài khoản tại đây.

Số là nhân viên ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ mở tài khoản của anh Tuấn đã “phán” một câu xanh rờn là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty anh hết hạn (?!).

Khi được hỏi lý do, nhân viên ngân hàng này hướng dẫn là số chứng minh thư nhân dân của anh - người đại diện pháp lý của doanh nghiệp bị thay đổi ngày cấp (mặc dù số thì vẫn đúng và vẫn còn hạn sử dụng).

Sau khi giải thích với nhân viên ngân hàng này là công ty vẫn đang hoạt động, tăng trưởng tốt và không bị “hết hạn” như nhân viên này nói, số chứng minh thư nhân dân của anh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đúng, còn chuyện thay đổi ngày cấp là chuyện sau này, nhưng anh vẫn không được ngân hàng này chấp nhận cho mở tài khoản ngân hàng với lý do không thay đổi và còn gợi ý anh làm thủ tục thay đổi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới rồi quay lại mở tài khoản sau cũng chưa muộn (?!).

Câu chuyện của anh Tuấn sẽ là “chuyện lớn” nếu tới đây, cả triệu chủ doanh nghiệp đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip mới và theo đó phải làm lại cả triệu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, thực hiện công bố mới trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, bố cáo, đợi thêm 30 ngày và đến xếp hàng nhờ ngân hàng xác nhận và cập nhật lại thông tin trên hệ thống. Điều này sẽ gây áp lực quá tải lên cả hệ thống…

Ý nghĩa của loại thẻ căn cước công dân gắn chip mới nhằm mục tiêu đơn giản hoá thủ tục hành chính, tích hợp nhiều loại giấy tờ và giảm bệnh “nghiện” giấy tờ cá nhân của nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Nhưng nếu thay đổi, chủ doanh nghiệp/đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (lưu ý là Luật Doanh nghiệp mới cho phép doanh nghiệp có nhiều người đại diện) cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý là sẽ phải đến làm việc với các ngân hàng, cơ quan nhà nước nơi mà thẻ că cước công dân/chứng minh thư nhân dân cũ của họ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũ vẫn chưa được cập nhật số hay ngày cấp mới.

Nếu doanh nghiệp có thêm chức danh kế toán trưởng hay có thêm người làm đại diện theo uỷ quyền cũng phải làm các thủ tục tương tự khi những chức danh này có sự thay đổi giấy tờ pháp lý cá nhân từ chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân cũ sang căn cước công dân gắn chip điện tử mới.

Theo Luật Doanh nghiệp (Điều 33), tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh và Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin được lưu giữ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh và phải nộp phí theo quy định của pháp luật và các cơ quan này có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, thiết nghĩ Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn với các cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại về vấn đề này, giúp các doanh nghiệp thuận lợi khi đến làm các thủ tục liên quan chỉ bởi các lý do thay đổi giấy tờ pháp lý của chủ doanh nghiệp/đại diện pháp lý của doanh nghiệp hay các chức danh khác.

Với các ngân hàng thương mại, nên chăng chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp cập nhật thông tin giấy tờ pháp lý cá nhân mới (căn cước công dân gắn chip điện tử) để ngân hàng lưu lại làm bằng chứng sau này (cùng với xác thực chữ ký khi mở tài khoản).

Đương nhiên, các doanh nghiệp khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh liên quan đến giấy tờ pháp lý cá nhân của chủ doanh nghiệp/đại diện pháp luật của doanh nghiệp thì vẫn phải tuân thủ hướng dẫn của Luật Doanh nghiệp như phân tích trên đây.

Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định các trường hợp công dân được cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân gồm:

+ Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

+ Xác định lại giới tính, quê quán;

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ hiện tại;

+ Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

+ Bị mất thẻ căn cước công dân;

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Tin bài liên quan