Mới đóng băng, cũ dồn dập đáo hạn
Sau khi nhúc nhắc khởi động trở lại vào tháng 5 và tháng 6, trong 3 tuần đầu tháng 7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại hoàn toàn vắng bóng doanh nghiệp bất động sản, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Cũng theo VBMA, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/7/2022, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm tới 36%.
Trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới giảm mạnh, thì áp lực huy động vốn để thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lại tăng lên. Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến năm 2024 có gần 750.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Riêng năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng (43,2% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản). Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng.
Trước đó, theo số liệu thống kê của VNDrirect Research, trong quý III/2022 sẽ có 64.696 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (52% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản). Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn cao nhất là Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas (7.200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty cổ phần Osaka Garden (3.400 tỷ đồng).
Ngoại trừ Tân Hoàng Minh, đến nay, chưa có trường hợp trái phiếu doanh nghiệp nào vỡ nợ. Tuy nhiên, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục bị đứt đoạn, thì khả năng vỡ nợ là rất lớn, nhất là khi “điểm rơi” đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp ngày càng đến gần.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng, nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp không được cải thiện, năm 2023, các rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ hiện hữu.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo, gần đây, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) tăng mạnh, cho thấy nhiều doanh nghiệp buộc phải dùng cách bán tài sản để thu xếp nguồn tiền trả nợ.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh một lượng “khủng” trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, việc xoay xở nguồn trả nợ là khó khăn lớn với doanh nghiệp, có thể dẫn tới các rủi ro hệ thống. Vì vậy, Chính phủ nên tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm duy trì sự liên tục của dòng tiền.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu có thái độ ứng xử phù hợp, sẽ phát triển rất tốt, tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Hiện nay, tổng quy mô tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tuy vậy, theo các chuyên gia, tỷ lệ này tương đương hoặc thấp hơn so với nhiều nền kinh tế và chưa đến mức đáng lo ngại. Do đó, cùng với việc vận hành trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, điều cần thiết là Chính phủ cần quyết liệt hơn để điều tiết cung - cầu bất động sản.
Sửa Nghị định 153: Không thể chậm trễ
Đầu quý II/2022, Bộ Tài chính đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (lần 5) về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, các quy định quá khắt khe về điều kiện phát hành trong Dự thảo khiến doanh nghiệp lo ngại thị trường sẽ bị tê liệt. Bộ Tư pháp cũng cho rằng, một số quy định trong Dự thảo không phù hợp với Hiến pháp và quyền con người, hạn chế quyền dự do huy động vốn kinh doanh, tự vay tự trả của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đang tiếp tục sửa đổi các quy định của Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, trong dự thảo mới, nhiều khả năng, Chính phủ sẽ điều chỉnh sửa đổi nghị định này theo hướng nới lỏng hơn các quy định với cả nhà phát hành và nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ để phát triển cũng như ổn định thị trường vốn.
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính hé lộ một số chính sách tại Dự thảo Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi (bản mới nhất).
Thứ nhất, sẽ nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia đầu tư trái phiếu: mệnh giá trái phiếu lên 1 tỷ đồng; giá trị đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng, được duy trì trong tối thiểu 6 tháng; phải ký cam kết hiểu rõ về các điều kiện, điều khoản, rủi ro trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; không được phép bán lại trái phiếu doanh nghiệp đã mua cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức, bao gồm cả hình thức góp vốn đầu tư…
Với doanh nghiệp phát hành, các quy định mới cũng yêu cầu nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn, đặc biệt là yêu cầu bắt buộc mua lại trái phiếu khi vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền; hồ sơ chào bán trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo các trường hợp và theo lộ trình; công bố thông tin đúng quy định; trái phiếu phải được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán…
Nghị định cũng bổ sung rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp trong việc phân phối trái phiếu và xác nhận về dòng tiền mua sơ cấp.
Liên quan trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc chia sẻ thông tin về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này; nghiên cứu bổ sung các quy định về an toàn tài chính khi huy động vốn, bao gồm vốn huy động từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Doanh nghiệp kỳ vọng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi sẽ nhanh chóng được ban hành để thị trường sớm vận hành trở lại. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 tổ chức giữa tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã trình nhiều lần, nhưng chưa có được sự thống nhất với Bộ Tư pháp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm việc dứt điểm ngay, nếu không giải quyết được thì trình lên Chính phủ.