Nhiều khoản cho vay trung, dài hạn đã được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau năm 2024

Nhiều khoản cho vay trung, dài hạn đã được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau năm 2024

Cấp bách tháo gỡ nút thắt hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, việc thực hiện hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được cơ quan quản lý tìm cách tháo gỡ.

Tình hình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN tại Agribank ra sao?

Tính đến ngày 22/7/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Agribank khoảng 170.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 9.288 khách hàng, với dư nợ (gốc và lãi) là 26.997 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.465 khách hàng, với dư nợ miễn, giảm lãi 3.653 tỷ đồng.

Doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt trên 250.000 tỷ đồng, với khoảng 50.000 khách hàng. Trong đó, doanh số giải ngân cho vay ưu đãi gói 200.000 tỷ đồng đạt khoảng 101.000 tỷ đồng, với số lãi thực giảm cho vay khách hàng khoảng 600 tỷ đồng, tương đương mức giảm lãi suất tối đa 2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, có lẽ nợ xấu sẽ gia tăng và việc hỗ trợ khách hàng khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng?

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank

Đúng vậy. Nợ xấu tính đến 31/7/2021 tăng khá mạnh so với đầu năm, đặc biệt là các ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, hoạt động tiêu dùng… Trong đó, riêng dư nợ cơ cấu, miễn giảm lãi theo Thông tư 01 và Thông tư 03 bị chuyển nợ xấu chiếm 25% tổng nợ xấu phát sinh.

Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều khách hàng gặp khó khăn không thể trả nợ đúng hạn (bao gồm những khách hàng đã được cơ cấu lại theo Thông tư 03), dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 0,2 - 0,3%. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2021 có thể lên trên 2%.

Ngoài ra, ngày 14/7/2021, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó giảm đến 10% lãi suất đối với các khách hàng còn dư nợ tại ngày 15/7/2021 và các khách hàng phát sinh dư nợ sau ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021, dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của Agribank từ 5.500 - 6.000 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện miễn, giảm lãi các khoản nợ theo Thông tư 03 có gặp vướng mắc hay bất cập gì hay không?

Điều 10, Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 quy định, các khoản nợ sau khi được miễn, giảm lãi phải thực hiện phân loại nợ vào nhóm 3 (do khách hàng suy giảm khả năng tài chính). Thông tư này không có quy định về việc phân loại nợ vào nhóm nợ thấp hơn. Vì vậy, theo Thông tư 03, đối với các trường hợp khách hàng được miễn, giảm lãi mặc dù được giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu như quy định tại Khoản 1, Điều 1, nhưng ngân hàng vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng bổ sung phần chênh lệch theo nhóm nợ quy định tại Thông tư 02 (trích lập theo nhóm 3).

Hơn thế, miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư 03 với mục đích hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 về mặt bản chất không giống với việc miễn, giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 02 là do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng. Sau khi được miễn, giảm lãi một phần theo Thông tư 03, khách hàng thực hiện trả nợ đầy đủ lãi phát sinh các kỳ tiếp theo, nhưng tổ chức tín dụng vẫn phải trích lập dự phòng bổ sung tính trên toàn bộ dư nợ của khách hàng trong trường hợp không được giữ nguyên nhóm nợ (nhóm 3), nên không phản ánh đúng thực trạng của khách hàng.

Đặc biệt, có trường hợp khách hàng được miễn, giảm lãi với số tiền nhỏ, nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro trên toàn bộ dư nợ hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính của tổ chức tín dụng và chưa phản ánh chính xác rủi ro của khách hàng.

Tại Agribank, số lượng khách hàng được miễn, giảm lãi (không thực hiện cơ cấu nợ) theo Thông tư 03 là 1.033 khách hàng, số tiền miễn giảm lãi là 17 tỷ đồng, dư nợ khách hàng phải trích lập dự phòng theo thông tư này là 8.593 tỷ đồng, số phải trích lập dự phòng bổ sung là 644 tỷ đồng.

Đối với việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ thì sao?

Theo Khoản 2, Điều 1, Thông tư 03, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ áp dụng đối với các khoản nợ giải ngân trước ngày 10/6/2020. Các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 không được áp dụng, nên không thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến khả năng chuyển nợ xấu đối với các khách hàng này. Nợ đến hạn đối với các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020 trong 5 tháng cuối năm 2021 tại Agribank là trên 380.000 tỷ đồng, do không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 03 nên tiềm ẩn nguy cơ bị chuyển nợ xấu.

Về phân loại nợ, Khoản 6, Điều 6, Thông tư 03 quy định, kể từ ngày 1/1/2024, tổ chức tín dụng căn cứ vào quy định tại Thông tư 02 để thực hiện. Điểm b, Khoản 3, Điều 4, Thông tư 01 quy định, tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời hạn cuối cùng của hợp đồng tín dụng).

Căn cứ vào các quy định nêu trên, nhiều khoản cho vay trung, dài hạn với mức dư nợ lớn đã được Agribank cơ cấu lại thời hạn trả nợ sau năm 2024. Nếu đến 1/1/2024 mà tổ chức tín dụng phải chuyển nhóm nợ cao hơn đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch nợ xấu của tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến khách hàng (mặc dù khách hàng trả nợ đầy đủ theo kế hoạch đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ). Dự kiến, Agribank sẽ chuyển nợ xấu đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Khoản 6, Điều 6, Thông tư 03 kể từ ngày 1/1/2024 là 744 khách hàng, dư nợ 6.550 tỷ đồng.

Ngoài ra, các trường hợp giao dịch với ngân hàng không thuộc quy định của Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 nên người dân, chủ doanh nghiệp không thể đến ngân hàng thực hiện trả nợ, hoặc hoàn thiện thủ tục cơ cấu khi nợ đến hạn.

Ông có đề xuất gì nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên?

Với các khách hàng đã trả đầy đủ nợ sau khi được miễn, giảm lãi theo Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước nên chấp thuận cho tổ chức tín dụng không phải thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo nợ nhóm 3 như quy định tại Thông tư 02. Đồng thời, cho phép cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với toàn bộ các khoản nợ đến hạn thanh toán trước 31/12/2021 (bao gồm cả các khoản giải ngân từ ngày 10/6/2020) và thời điểm cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi được kéo dài thêm một khoảng thời gian sau ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mà quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với nguồn thu của khách hàng. Ngoài ra, hướng dẫn và chỉ đạo về việc phân loại nhóm nợ cao hơn sau ngày 1/1/2024, đặc biệt đối với các khoản nợ cho vay theo dự án đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý nên cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở xác nhận của khách hàng thông qua các hình thức liên lạc như email, fax, tin nhắn SMS, Zalo, Viber, Skype… đối với 2 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không thể đến ngân hàng làm thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Một là, khách hàng thuộc địa phương áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hai là, khách hàng là F0, F1, F2 phải thực hiện cách ly tập trung, hoặc có thông báo tự cách ly của chính quyền địa phương.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết cách ly, giãn cách, các tổ chức tín dụng phải hoàn thiện thủ tục trả nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định; trường hợp không hoàn thiện được sẽ chuyển nợ quá hạn, chuyển nhóm nợ cao hơn theo quy định hiện hành.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các nội dung cụ thể nêu trên đây cần được giải quyết ngay và những thay đổi cần hướng đến sự dài hạn, căn cơ để tổ chức tín dụng chủ động, nếu không thì việc tháo gỡ sẽ chỉ là tạm thời, không đúng với thực trạng khó khăn. Ngân hàng sẽ không có căn cứ pháp lý để tháo gỡ, chưa đi đến tận cùng với khách hàng, rồi lại tiếp tục cần giải pháp nữa khi sang năm 2022, các khoản cơ cấu đến hạn. Để trả nợ được trong năm 2022 thì năm 2021 phải phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng bối cảnh hiện tại khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp đóng cửa dài ngày, hay nghiệp hoạt động được thì đứt gãy chuỗi cung ứng, mất thị trường…

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Cơ quan này cho biết, quan điểm sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 là tiếp tục tạo điều kiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19, xem xét cho khách hàng vay vốn mới để phục hồi, duy trì sản xuất thông qua giải pháp tình thế về cơ chế là Thông tư 01 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

Đồng thời, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng xuất phát từ việc Thông tư 01 tạm thời cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ (không ghi nhận mức độ rủi ro thực tế của khách hàng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19).

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng cần thích ứng với thực trạng dịch Covid-19 tại Việt Nam, chủ động thỏa thuận, thống nhất các nội dung phù hợp với năng lực trả nợ và mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng để xác định tiếp tục hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Tin bài liên quan