Cấp bách bãi bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
Bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết trước tháng 6/2024 - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã xác định cụ thể thời hạn thực hiện nhiệm vụ đó như trên. Lý do là “rất cấp bách”.

Như vậy, theo yêu cầu, các bộ, ngành sẽ phải chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Cùng với đó, các bộ, ngành phải thực hiện rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung. Nhiệm vụ này sẽ phải hoàn thành trong quý II/2024.

Sau nhiều năm, yêu cầu bãi bỏ điều kiện kinh doanh lại nóng cùng với tiêu chí và thời hạn cụ thể, dù rà soát để bãi bỏ điều kiện kinh doanh luôn có mặt trong các nhiệm vụ hàng năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương trong các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh.

Một lần nữa, bức tranh về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh sẽ được vẽ lại một cách chi tiết.

Cũng phải nhắc lại, cho đến thời điểm hiện tại, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện liệt kê trong Danh mục Phụ lục IV, Luật Đầu tư là 227 ngành nghề. So với 267 ngành nghề trong Danh mục này của Luật Đầu tư 2014 và 243 ngành nghề trong Danh mục của Luật Đầu tư 2016, số lượng ngành nghề đã giảm khá nhiều. Có thể nói, đây là kết quả rất tích cực của đợt tổng rà soát các quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh vào năm 2016-2017.

Cùng với việc giảm về số lượng, việc tìm hiểu điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, dễ theo dõi hơn bởi điều kiện kinh doanh của nhiều ngành nghề được tập hợp trong văn bản hợp nhất, trong nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, hoặc thể hiện qua các điều cụ thể có tên “điều kiện kinh doanh” tại các văn bản pháp quy cũng được quan tâm. Các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng hoặc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã giảm đáng kể.

Song trên thực tế, rất khó khẳng định số lượng điều kiện kinh doanh hiện có thực sự cắt giảm hơn so với trước đây hay không. Nếu coi Danh mục của Luật Đầu tư là “ngành nghề bố mẹ”, thì các văn bản pháp luật chuyên ngành phân tiếp thành “ngành nghề con” và “ngành nghề cháu”. Vì vậy, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế cao gấp vài lần. Đơn cử, trong 34 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thì có tới 22 ngành (ngành nghề mẹ) chứa đựng “ngành nghề con, cháu” được thể hiện tại các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Một ví dụ khác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về văn hoá - thể thao và du lịch là “Kinh doanh dịch vụ lưu trú”. Luật Đầu tư chỉ quy định là 1 ngành mẹ, nhưng theo pháp luật chuyên ngành (Luật Du lịch 2017), dịch vụ lưu trú bao gồm 8 ngành con...

Hơn thế, theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, điều kiện kinh doanh phải được quy định tại văn bản từ cấp nghị định trở lên. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, nhiều điều kiện kinh doanh được lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật, ở cấp thông tư do các bộ, ngành ban hành...

Rõ ràng, sự phức tạp, thiếu rõ ràng của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh có nguyên do từ phía các bộ, ngành, địa phương, nhất là khi việc cấp phép, cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kiểm soát tuân thủ điều kiện kinh doanh là dư địa tạo cơ chế xin - cho; nhưng cũng có nguyên nhân từ cơ chế kiểm soát việc ban hành điều kiện kinh doanh chưa hiệu quả. Thậm chí, cơ chế trách nhiệm và chế tài đối với các bộ, ngành đề xuất ban hành điều kiện kinh doanh kém chất lượng, gây tổn thất về chi phí của doanh nghiệp và của xã hội dù được nhắc đến, nhưng không rõ ràng, khó thực hiện.

Cũng phải nói thêm, cách thức quản lý nhà nước bằng điều kiện kinh doanh khá nặng về phát hiện, tìm lỗi để xử lý vi phạm, chưa chú trọng việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, khiến doanh nghiệp coi điều kiện kinh doanh là rào cản, chứ không phải là những yêu cầu cần thiết trong quản lý để đảm bảo lợi ích chung của xã hội...

Việc thay đổi tình trạng này là rất cấp bách.

Tin bài liên quan