Đây là thông tin được đích thân ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận xác nhận với baodautu.vn.
“Đến thời điểm này, nguồn vốn tín dụng và vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước – những nút thắt dai dẳng khiến Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần như tê liệt trong suốt hơn một năm qua đã cơ bản được tháo gỡ”, ông Hoàng cho biết.
Đại diện phía Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cũng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Đó là sự khích lệ rất lớn đối với nhà đầu tư và các đơn vị đang triển khai dự án.
Từ chỗ bế tắc nhiều năm, Dự án đã có sự chuyển biến lớn sau khi Tập đoàn Đèo Cả đồng ý vào tăng cường năng lực quản trị cho doanh nghiệp dự án và chỉnh đốn công tác tổ chức thi công trên công trường. Bên cạnh đó, việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang không chỉ giúp tình hình triển khai Dự án được thúc đẩy nhanh chóng mà các thủ tục để giải ngân vốn NSNN hỗ trợ cũng được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện rất nhanh chỉ sau hơn 2 tuần kể từ khi có quyết định giao vốn của Chính phủ.
Trên cơ sở một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho Dự án được giải ngân, doanh nghiệp dự án cho biết sẽ ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành Dự án vào Quý II/2021 và điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Phần vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước còn lại, doanh nghiệp Nhà nước hy vọng UBND tỉnh Tiền Giang theo sát các cơ quan quản lý vốn để tiếp tục bố trí trong thời gian sớm nhất.
“Trên thực địa, hiện chủ đầu tư đã cùng các nhà thầu và đơn vị liên quan tăng cường, huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị thi công 3 ca để có bước nước rút ngay trong mùa khô này. Tết này, từ Chủ tịch đến cán bộ, kỹ sư, người lao động sẽ đón xuân trên công trường”, ông Hoàng khẳng định và cho biết là lãnh đạo Công ty đã treo thưởng 10 tỷ đồng cho các đơn vị thi công nếu như công trình cao tốc trọng điểm này về đích đúng tiến độ.
Để giám sát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng công trình, ngay trong tuần này, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ lắp camera giám sát 24/24h trên toàn công trường dài hơn 50 km này.
Trước đó, dù nguồn vốn ngân sách nhà nước là 2.186 tỷ đồng và vốn vay tín dụng từ các ngân hàng chưa được cấp về cho dự án, nhà đầu tư và các nhà thầu thực hiện Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn chủ động tìm mọi nguồn vốn để duy trì tiến độ thi công.
Tính đến thời điểm này đã có trên 50 cây cầu đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng có sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, trong khi suốt 10 năm trước đó Dự án chỉ vỏn vẹn đạt 10% giá trị hợp đồng.
Khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời tham gia “giải cứu” dự án, mặc dù không tham gia góp vốn đầu tư vào dự án nhưng với tinh thần hết sức trách nhiệm đã tập trung nhân lực, sắp xếp lại bộ máy quản trị để quản lý dự án, cùng doanh nghiệp dự án chủ động, tích cực làm việc với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Thuế, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an để tiến hành rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, giải quyết các tồn tại trước đây, đồng thời loại bỏ nhà đầu tư 0 đồng, loại nhà thầu yếu kém và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng cho Dự án, đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, hiện nhóm ngân hàng tài trợ vốn do Vietinbank đứng đầu đã cơ bản chấp thuận tài trợ khoảng 7.000 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp dự án góp 3.400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương 32,4% tổng mức đầu tư.
“Chúng tôi đánh giá là việc giải quyết nút thắt tín dụng đang nằm trong tầm kiểm soát. Cả doanh nghiệp dự án và các ngân hàng đang hợp tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần thiện chí từ hai phía để sớm thông nốt phần vốn tín dụng quan trọng này”, ông Hoàng cho biết.