Ảnh minh hoạ.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức PPP.
Tại công văn này, Hội đồng thẩm định liên ngành cho biết, tại Báo cáo kết quả thẩm định số 2286/BC-HĐTĐLN ngày 27/3/2024 đã nêu đầy đủ các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật PPP để UBND TP.HCM thực hiện, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (trong đó đã tổng hợp và đề nghị UBND TP.HCM giải trình, làm rõ, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sau khi giải trình, bổ sung kèm theo Tờ trình số 3447/TTr-UBND ngày 21/6/2024 đã được UBND TP. HCM hoàn thiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng. Trong đó, UBND TP.HCM khẳng định Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các tài liệu liên quan đã được giải trình, làm rõ, 3 hoàn thiện theo kết quả thẩm định của Hội đồng và đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
Hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư Dự án của UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Tờ trình số 3447; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án (đã cập nhật hoàn thiện theo Báo cáo kết quả thẩm định số 2286/BC-HĐTĐLN ngày 27/3/2024 của Hội đồng); Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi số 2286/BC-HĐTĐLN ngày 27/3/2024 của Hội đồng và các tài liệu pháp lý liên quan đến Dự án.
Như vậy, hồ sơ Dự án của UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đã đầy đủ thành phần theo quy định tại Điều 16 Luật PPP.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả Phiếu xin ý kiến thành viên Hội đồng về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được gửi kèm theo Tờ trình số 3447 của UBND TP.HCM, đến ngày 17/7/2024, có 11/13 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua (chiếm tỷ lệ 84,6%), trong đó có 7 thành viên đồng ý thông qua không có ý kiến khác, 4 thành viên đồng ý thông qua và có ý kiến bổ sung, 2 thành viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có ý kiến biểu quyết.
Như vậy, Dự án đạt điều kiện thông qua theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức PPP.
Hội đồng thẩm định liên ngành thống nhất với UBND TP.HCM về việc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án kèm theo Tờ trình số 3447 của UBND TP. HCM đã đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
“Đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về các nội dung, tính chính xác của các thông tin, số liệu nêu tại Tờ trình số 3447, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hoàn chỉnh và các tài liệu liên quan”, công văn của Hội đồng thẩm định liên ngành cho biết.
Tại Tờ trình số 3447, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết là Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các tài liệu liên quan đã được giải trình, làm rõ, hoàn thiện theo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành tại Báo cáo thẩm định số 2286/BC- HĐTĐLN ngày 27/3/2024; đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, Dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP. HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 51 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM khoảng 24,7 km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có quy mô 6 làn xe cao tốc nhưng trong giai đoạn 1 của Dự án, tuyến đường có quy mô 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.
Tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP.HCM, hướng tuyến cao tốc đi gần song song với đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) và cách Quốc lộ 22 về phía bên phải theo hướng tuyến (về phía Bắc) khoảng 2 km đến 4 km. Đoạn qua địa phận TP.HCM đến Tỉnh lộ 8, tuyến rẽ phải để tránh Khu quân sự Đồng Dù (tuyến cách kho đạn K75 > 650m) sau đó rẽ trái khoảng Km16+000 tuyến đi song song với đường sắt quy hoạch và đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến đi thẳng đến khu vực Gò Dầu (Km38+700); tại đây rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 370 giao với Quốc lộ 22B khoảng Km41+000, sau đó tuyến tiếp tục rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600, vượt sông Vàm Cỏ và giao với Quốc lộ 22 tại Km53+850.
Trạm dừng nghỉ trên tuyến (bố trí hai bên tuyến), dự kiến tại khu vực thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trong dự án xây dựng đường cao tốc chỉ dự kiến vị trí và bố trí chi phí giải phóng mặt bằng. Chi phí xây dựng và chi phí vận hành khai thác trạm phục vụ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 409,3ha; sơ bộ tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 566 hộ. Phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) sẽ thực hiện giải tỏa một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc.
Tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án là 19.617 tỷ đồng, bao gồm: chi phí xây dựng và thiết bị là 9.273 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác (đã bao gồm chi phí chuẩn bị dự án khoảng 45 tỷ đồng) là 695 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (đã bao gồm chi phí dự phòng) là 6.774 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá là 1.594 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng.
Tại Dự án này, vốn Nhà nước tham gia 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư; phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP là 9.943 tỷ đồng (bao gồm 12,45 tỷ đồng chi phí chuẩn bị dự án theo Khoản 1 Điều 73 của Luật PPP được bố trí trước từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố và sẽ được nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả), chiếm 50,69% tổng mức đầu tư Dự án.