Tuyến Quốc lộ 19 được mệnh danh là cánh cửa phía Đông của Tây Nguyên

Tuyến Quốc lộ 19 được mệnh danh là cánh cửa phía Đông của Tây Nguyên

Cao tốc kết nối Tây Nguyên: Mở đường đến kỷ nguyên mới

Sau rất nhiều trông đợi, những tuyến cao tốc đầu tiên kết nối với Tây Nguyên đã được khởi công, mở ra cánh cửa phát triển đầy triển vọng cho vùng đất đỏ này.

Giấc mơ cao tốc

Khu vực Tây Nguyên có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vì thế, trong tầm nhìn chiến lược, Trung ương luôn dành cho Tây Nguyên nhiều nguồn lực đầu tư phát triển. Trong đó, công tác có ý nghĩa then chốt là hoàn thiện hạ tầng giao thông, kết nối Tây Nguyên với các khu vực khác, bởi giao thông là nút thắt chính, kìm hãm sự phát triển của vùng đất đỏ trong nhiều thập kỷ qua.

Rồi đây, điểm nghẽn giao thông sẽ được xoá bỏ, khi những tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng. Đầu tiên, phải kể đến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung. Dự án này đang được tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027. Thế nên, các đơn vị thi công đang khẩn trương triển khai, “ăn Tết” trên công trường.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị thi công Gói thầu thầu XL01 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cho hay, Liên danh nhà thầu đã huy động gần 450 nhân sự, 200 thiết bị, máy móc, tổ chức triển khai đồng loạt 14 mũi thi công. Kế hoạch sản lượng năm 2024 cơ bản đáp ứng đúng tiến độ đề ra, hướng đến mục tiêu thông hầm vào cuối năm 2025.

“Hiện nay, việc thi công còn nhiều khó khăn, nhất là tại hầm Phượng Hoàng, nên chúng tôi tập trung đẩy nhanh công tác làm đường công vụ, xây dựng lán trại và các hạng mục phụ trợ khác để luôn trong tình trạng sẵn sàng triển khai ồ ạt khi nhận đủ mặt bằng. Với nỗ lực vượt khó, kỳ vọng Dự án sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu quan trọng, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo kế hoạch đề ra”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, cao tốc này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa và cả khu vực. Là tuyến đường chiến lược “kết nối rừng với biển”, khi đi vào hoạt động, tuyến cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của 2 tỉnh và khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Do đó, tỉnh Đắk Lắk quyết tâm, dồn sức để sớm hoàn thành, đưa tuyến cao tốc này vào hoạt động.

Một dự án cao tốc khác tại Tây Nguyên cũng rất được mong đợi là cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Dự án có chiều dài 128,8 km, tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2027.

Bên cạnh các tuyến cao tốc đang thực hiện và chuẩn bị đầu tư xây dựng, dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên.

Theo đề án này, nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tiến trình đầu tư tuyến sau năm 2030, gồm cao tốc Ngọc Hồi - Pleiku (dài 90 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 18.900 tỷ đồng), cao tốc Pleiku - Buôn Ma Thuột (dài 160 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 33.600 tỷ đồng), tuyến Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa (dài 105 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 22.050 tỷ đồng).

Bộ GTVT cũng dự kiến hoàn thành nâng cấp 63 km thuộc Quốc lộ 24 (Kon Tum - Quảng Ngãi) đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng vào năm 2030.

Đối với đường sắt, đến năm 2030, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước).

Về hàng không, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành nâng cấp 3 cảng hàng không vào năm 2029, gồm Cảng hàng không Liên Khương, Cảng hàng không Pleiku, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và hoàn thành quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào năm 2025.

Bứt phá từ cao tốc

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và chính quyền tỉnh Gia Lai đầu năm 2025, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải đánh giá, Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Trần Bá Dương cũng nêu tham vọng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất - xuất khẩu trái cây tươi và nông sản tại khu vực này, bên cạnh các dự án đã đầu tư tại Lào và Campuchia.

Nhiều năm qua, để đi TP.HCM hay các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam, người dân Lâm Đồng phải di chuyển qua các tuyến đường đèo ngoằn ngoèo, nguy hiểm. Các hoạt động kết nối giao thương cũng cực kỳ khó khăn. Do vậy, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là một biểu tượng cho sự phát triển của Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định, hiện nay, các vướng mắc của 2 tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét tháo gỡ. Dự kiến, các dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025.

Tương tự, Kon Tum là địa phương gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, nên tỉnh rất mong sớm được triển khai các tuyến cao tốc. Tin vui đối với tỉnh Kon Tum là ngay đầu năm 2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.

Chia sẻ niềm vui này, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh có địa hình đồi núi và chỉ có một loại hình lưu thông là đường bộ. Trong khi đó, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, vùng lõi của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời, tỉnh có vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây. Vì vậy, các tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Một tín hiệu tích cực khác đối với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vừa được Bộ GTVT báo cáo lãnh đạo Chính phủ về phương án đầu tư.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Bộ GTVT có công văn gửi Chính phủ kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công. Đây được xem là bước tiến lớn trong quá trình xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông của tỉnh.

Theo đó, Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ được chuẩn bị đầu tư từ năm 2025, thực hiện đầu tư và hoàn thành, khai thác trong giai đoạn 2026-2030. Dự án có chiều dài 123 km, tổng mức đầu tư khoảng 36.594 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đầu tư sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt nối Tây Nguyên với cảng biển nước sâu, đồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực.

“Tuyến cao tốc này còn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, là hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối cảng biển của khu vực Duyên hải miền Trung với cửa khẩu vùng Tây Nguyên nói riêng và kết nối Biển Đông với khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nói chung. Trong quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được hình thành sẽ là một trong những trục phát triển kinh tế quan trọng của địa phương. Theo đó, tỉnh định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành kho bãi logistics dọc theo tuyến đường này. Chính quyền địa phương và người dân rất mong tuyến cao tốc này sớm được đầu tư”, ông Hòa nói.

Tin bài liên quan