Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình Quốc hội về dự án cao tốc Bắc - Nam. Tờ trình cho biết, tổng mức đầu tư toàn tuyến là hơn 300.000 tỷ đồng, chia hai giai đoạn, từ nay đến 2025 và sau 2025.
Giai đoạn một (2017 - 2025), mức đầu tư là 240.000 tỷ đồng và từ nay đến năm 2020 số tiền cần chi khoảng 130.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn Nhà nước giai đoạn này mới bố trí được 55.000 tỷ, số còn lại sẽ phải huy động qua vay với lãi suất 10,37% một năm.
Mức thu phí được Bộ Giao thông dự tính cho toàn tuyến là 1.500 đồng một km và mức này sẽ tăng dần (khoảng 12% mỗi 3 năm), thu trong thời hạn 24 năm. Giai đoạn một có 17 dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Giai đoạn hai sau 2025, tuyến cao tốc Bắc Nam được mở rộng theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Trong tổng chiều dài đoạn Hà Nội - TP HCM hơn 1.600 km, có 123 km đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành đã khai thác, hiện còn hơn 1.300 km cần đầu tư và được chia làm 20 dự án thành phần.
Do phần lớn nguồn lực huy động từ các nhà đầu tư, nên tờ trình đề xuất loạt cơ chế đặc thù với dự án cao tốc Bắc Nam.
Đầu tiên, cơ quan quản lý ngành giao thông kiến nghị giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để chủ đầu tư có thể tiếp cận vốn triển khai dự án; đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận vay vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.
Cơ chế đặc thù tiếp theo là đề nghị chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong báo cáo tiền khả thi và được phép quyết định mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Mức giá đã được quyết định trong hợp đồng là không được thay đổi.
Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng đề nghị giao quyền cho bộ đàm phán thời gian thu phí với các nhà đầu tư trên những đoạn cao tốc hoàn thành sớm trong hợp đồng BOT Quốc lộ 1.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án cao tốc Bắc Nam phải tổ chức đấu thầu rộng rãi theo hình thức BOT, tuy nhiên tại tờ trình lần này, Bộ Giao thông cũng đề xuất được phép chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra với các dự án triển khai đầu tư giai đoạn 1.
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc huy động thêm vốn ngoài ngân sách là "cả một câu chuyện". Vay nước ngoài thì không được do nợ công đã sát trần, còn vay trong nước chủ yếu là vay ngân hàng.
"Người dân chủ yếu gửi ngắn hạn mà ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay dài hạn thì cũng phải khống chế tỷ lệ để đảm bảo an ninh thanh toán", ông Sinh băn khoăn.
Lo lắng là thế, nhưng theo ông Sinh không phải không có cách gỡ. Ông thông tin, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước tính toán, báo cáo phương án huy động để xây dựng bằng được phân đoạn một từ nay đến 2020. Còn các giai đoạn đầu tư tiếp theo sẽ được tính toán cụ thể trước thời điểm đầu tư.
"Tiền quan trọng nhưng cũng không phải quan trọng nhất, mà còn những vấn đề lợn cợn Chính phủ cần giải đáp rõ trước các đại biểu Quốc hội, như phân kỳ đầu tư, cơ chế đặc thù...", ông Sinh nhận định và nhấn mạnh, "Chính phủ quyết tâm, Quốc hội sẽ ủng hộ, bản thân tôi cũng rất ủng hộ. Dù thế, vẫn phải làm rõ tất cả những điều còn băn khoăn ở trên".