Cao tốc Bắc - Nam: Dự án cấp bách và không thể trì hoãn!

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách và không thể trì hoãn, tuy nhiên nếu không có cơ chế đặc thù cho dự án thì việc khởi công sớm nhất cũng phải tới năm 2020.

Không thể trì hoãn?

Hồi đầu tháng 4, Bộ GTVT đã có Tờ trình (điều chỉnh, bổ sung) Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư giai đoạn I của tuyến cao tốc dài khoảng 684 km với tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên "cấp bách và không thể trì hoãn". Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ này cũng đưa ra những khó khăn trong tiến trình thực hiện dự án hiện nay.

“Theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng. Từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng. Bởi vậy, nếu không có cơ chế đặc thù cho dự án, dự án chỉ có thể trình lên Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và sớm nhất năm 2020 mới có thể khởi công” - lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.

Đây là đại dự án có tính cấp bách, vì vậy về cơ chế cơ chế, chính sách tài chính và hợp đồng dự án, Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội chấp thuận sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn. Các cơ quan nhà nước, thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cao tốc Bắc - Nam: Dự án cấp bách và không thể trì hoãn! ảnh 1

Dự án cao tốc Bắc - Nam được phê duyệt sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố, tác động tới 45% dân số cả nước 

Bộ GTVT cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận Chính phủ được cung cấp các bảo lãnh riêng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam gồm: Bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh bên thứ ba đối với trách nhiệm của Chính phủ. Trường hợp chưa thể áp dụng với toàn bộ dự án, kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án Dầu Giây - Phan Thiết để thí điểm, từ đó xem xét quyết định việc áp dụng ở quy mô lớn hơn.

Huy động vốn vay tín dụng rất khó khăn

Trong Tờ trình, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn I, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng công trình để nâng cao chất lượng.

Được biết, hiện nay dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn.

Bằng chứng là tại một số dự án khả thi về tài chính do các ngân hàng thương mại cam kết cung cấp tín dụng, nhưng sau đó đã có văn bản từ chối. Để gỡ khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Về giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT lựa chọn phương án giải phóng mặt bằng ngay toàn bộ từ Hà Nội đến TPHCM, Bộ này cho rằng điều đó sẽ thuận lợi cho công tác quản lý sau này, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Bộ GTVT khẳng định, hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM đi qua địa phận của 20 tỉnh và thành phố. vì vậy cần ưu tiên đầu tư, tạo động lực cho hành lang này, đặc biệt là yêu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại.

Theo tính toán, Dự án sẽ tác độc đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), ảnh hưởng đến 75% các cảng biển và 67% các khu kinh tế của cả nước. Đến năm 2020, hành lang kinh tế Bắc - Nam càng trở nên quan trọng, đóng góp tỷ trọng GDP rất lớn cho đất nước.

Tin bài liên quan