Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 124,8 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do giá vốn tăng tới 59%, lên 99,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 10%, xuống 25,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 31,4% xuống còn 20,5%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của doanh nghiệp giảm 91%, từ hơn 7,5 tỷ đồng xuống còn 670 tỷ đồng do khoản cổ tức nhận được từ các đơn vị vốn góp giảm. Trong khi đó, các chi phí đồng loạt tăng, cụ thể: chi phí tài chính tăng 83%, chi phí bán hàng tăng 46% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10%.
Kết quả, Cao su Tây Ninh ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 62%, xuống còn 12,3 tỷ đồng.
Công ty cho biết lợi nhuận sau thuế giảm do hoạt động bán mủ cao su khai thác quý III giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, giá bán mủ bình quân quý III thấp hơn cùng kỳ là 1 triệu đồng/tấn (giá bán mủ bình quân quý III/2022 là 39,6 triệu đồng/tấn, trong khi giá bán mủ bình quân quý III/2021 là 40,6 triệu đồng/tấn).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của TRC tăng 29%, đạt 340,8 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế giảm 22%, còn 45,9 tỷ đồng.
Năm 2022, TRC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 364 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 74,8 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, TRC đã hoàn thành lần lượt 93,6% và 61,4% kế hoạch năm.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản TRC tăng 3% so với hồi đầu năm, đạt 2.041 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 36,3%, còn 71,7 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 22,4%, lên 222,4 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 15,3%, lên 80,7 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng 9%, lên 453 tỷ đồng, song tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của TRC giảm nhẹ 5%, về 253,1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/10, cổ phiếu TRC giảm 0,9%, xuống 33.200 đồng/CP.