Khó di dời nhà máy
Năm 2010, khi chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội được ban hành, Cao su Sao Vàng ấp ủ kế hoạch xây dựng một tổ hợp bất động sản cao cấp, nằm trên khu đất của nhà máy rộng 6,3 ha tại số 231 Nguyễn Trãi và kế hoạch này lọt vào “tầm ngắm” của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Đến năm 2015, Cao su Sao Vàng công bố triển khai dự án xây dựng tổ hợp bất động sản cao cấp. Công ty không hợp tác với Vingroup hay BRG như đồn đoán của giới đầu tư, mà lựa chọn Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.
Hai bên quyết định thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn, với vốn điều lệ dự kiến 1.673 tỷ đồng, nhằm quản lý dự án tại số 231 Nguyễn Trãi, đồng thời hỗ trợ Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy sản xuất lốp radial tại đây về Khu công nghiệp Châu Sơn, TP. Phủ Lý, Hà Nam. Trước đó, Cao su Sao Vàng đã ký thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng với Ngân hàng TMCP Công Thương để vay 3.100 tỷ đồng, phục vụ di dời nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất lốp radial tại địa điểm mới.
Tuy nhiên, công ty liên doanh khi thành lập chỉ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Cao su Sao Vàng góp 26% từ nguồn vốn vay chính Tập đoàn Hoành Sơn. Đến năm 2017, vốn điều lệ của liên doanh được nâng lên 500 tỷ đồng, tỷ lệ góp vốn của Cao su Sao Vàng và Tập đoàn Hoành Sơn duy trì ở mức 26% - 74%.
Trong năm 2016, Cao su Sao Vàng và Tập đoàn Hoành Sơn ký hợp đồng hợp tác số 18, với nội dung đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác khu “đất vàng” hơn 6 ha tại số 231 Nguyễn Trãi, cụ thể là xây dựng và phát triển Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn. Cùng với hợp tác phát triển dự án, hai bên thống nhất việc Tập đoàn Hoành Sơn sẽ hỗ trợ Cao su Sao Vàng 435 tỷ đồng (chưa bao gồm các loại thuế) để di dời nhà máy về Khu công nghiệp Châu Sơn. Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển cho Cao su Sao Vàng 143,5 tỷ đồng.
Vậy nhưng, việc di dời nhà máy hiện đã bị dừng lại, còn dự án tổ hợp thương mại và nhà ở vẫn giậm chân tại chỗ.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Cao su Sao Vàng không như kỳ vọng. Năm 2023, Công ty đạt doanh thu gần 1.198 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 29 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và 6% so với năm 2022, nhưng chỉ hoàn thành 60% mục tiêu doanh thu và 37% mục tiêu lợi nhuận. So với năm 2021, lợi nhuận năm 2023 giảm 26,5%.
Đáng chú ý, xu hướng chuyển đổi lốp ô tô từ bias sang radial trên thị trường đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng Cao su Sao Vàng chưa sản xuất được dòng sản phẩm này.
Trong kế hoạch ban đầu khi hợp tác với Tập đoàn Hoành Sơn, một trong những mục tiêu khi Cao su Sao Vàng vay vốn của đối tác là di dời Nhà máy sản xuất lốp radial về Khu công nghiệp Châu Sơn, , nơi có điều kiện thuận lợi hơn về hạ tầng giao thông cũng như chi phí nhân công. Đến ngày 30/1/2024, Cao su Sao Vàng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền thuê lại hơn 21,2 ha tại Khu công nghiệp Châu Sơn, đồng nghĩa với việc từ bỏ kế hoạch sản xuất lốp radial.
Đối tác sở hữu chi phối cổ phần để chi phối “đất vàng”?
Việc Tập đoàn Hoành Sơn tăng tỷ lệ sở hữu tại Cao su Sao Vàng lên mức chi phối được cho là nằm trong kế hoạch thúc đẩy dự án nhà ở trên “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Năm 2019, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch Hội đoàn quản trị Tập đoàn Hoành Sơn được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Cao su Sao Vàng, đến cuối năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và đảm nhận vai trò này cho đến nay.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Hoành Sơn đã mua hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC, tương đương 24,54% vốn điều lệ Cao su Sao Vàng, qua đó nâng khối lượng sở hữu từ hơn 6,9 triệu cổ phiếu lên hơn 14 triệu cổ phiếu, chiếm 50,22% vốn điều lệ, vượt qua Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để trở thành cổ đông lớn nhất.
Việc gia tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Cao su Sao Vàng của Tập đoàn Hoành Sơn được cho là nằm trong kế hoạch thúc đẩy việc tái khởi động dự án nhà ở trên “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi, nhất là khi khu vực “Cao - Xà - Lá” (có 3 nhà máy sản xuất cao su, xà phòng và thuốc lá) đã được Hà Nội đưa vào báo cáo Bộ Nội vụ về phương án di dời nhà máy để xây các khu đô thị. Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 được UBND TP Hà Nội trình Bộ Nội vụ, sau khi di dời, trên diện tích các nhà máy sẽ được xây dựng các khu đô thị với quy mô dân số dự kiến 46.000 người.
Liên quan đến khu đất 231 Nguyễn Trãi, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện chuyên đề “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam”. “Đất vàng” 231 Nguyễn Trãi cũng nằm trong phạm vi chuyên đề.
Chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước không được công bố công khai, nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của Cao su Sao Vàng, Công ty Kiểm toán Nhân Tâm Việt nhấn mạnh, tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty chưa có kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn. Cùng với đó, Ban tổng giám đốc Cao su Sao Vàng cho biết, trong khi chờ đợi kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Công ty tin tưởng dự án sẽ được triển khai đúng quy định.
Tuy nhiên, Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 19/6/2018 cho thấy, Cao su Sao Vàng sẽ thực hiện thoái vốn khỏi Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn theo quy định của pháp luật và bảo toàn vốn. Tới năm 2023, báo cáo tài chính kiểm toán của Cao su Sao Vàng nêu rõ, doanh nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch thoái phần vốn góp tại liên doanh.
Hiện tại, trong khu “Cao - Xà - Lá” có khu đất 233, 233b, 235 Nguyễn Trãi của 2 nhà máy xà phòng và thuốc lá đã có quy hoạch 1/500 từ năm 2015, còn khu đất 231 Nguyễn Trãi chưa có quy hoạch 1/500 và chưa nằm trong kế hoạch sử dụng đất của quận Thanh Xuân.