Cao su Phước Hòa (PHR) dự báo lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, lợi nhuận Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR - HOSE) dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ ghi nhận tiền bồi thường chuyển đổi đất làm khu công nghiệp, giá mặt hàng cao su tự nhiên tăng cao.
Doanh thu tài chính của Cao su Phước Hòa đạt 236,58 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm 2020.

Doanh thu tài chính của Cao su Phước Hòa đạt 236,58 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm 2020.

Kết thúc năm 2021, báo cáo tài chính của Cao su Phước Hòa cho biết, doanh thu thuần đã tăng trưởng 19% so với năm 2020, lên 1.942,4 tỷ đồng, với động lực chủ yếu từ doanh thu bán thành phẩm đạt 1.689,99 tỷ đồng, tăng 25,6% so với năm liền trước trong bối cảnh giá mủ cao su tự nhiên tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là giai đoạn nửa đầu năm.

Số liệu kinh doanh của Công ty cũng cho thấy, trong năm 2021 mặc dù sản lượng tiêu thụ đạt 35.115,74 tấn, chỉ tăng 10,6% so với năm 2020, nhưng giá bán bình quân tăng đến 24,38%, đạt 41,38 triệu đồng/tấn.

Tăng trưởng doanh thu của mảng bán thành phẩm cao su tự nhiên đã giúp bù đắp việc sụt giảm doanh thu mảng cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp. Giá bán tăng cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp năm 2021 lên 26,4%, tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm 2020. Qua đó thu về 513,1 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 32% so với năm liền trước.

Lợi thế của Cao su Phước Hòa đến từ hai yếu tố:

1. Diện tích vườn cao su tự nhiên có thể nhanh chóng chuyển đổi thành đất khu công nghiệp khi được phê duyệt với chi phí giải phóng mặt bằng thấp.

2. Nền tảng tài chính khá tốt với nguồn tiền dự trữ dồi dào, tỷ lệ vay nợ thấp và dòng tiền từ các hoạt động kinh doanh hiện hữu tốt, giúp gia tăng thặng dư vốn.

Doanh thu tài chính của Cao su Phước Hòa đạt 236,58 tỷ đồng, tăng 25,9% so với năm 2020, một mặt đến từ nguồn tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng dồi dào với số dư 1.897 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2021, chiếm 31,5% tổng tài sản. Bên cạnh đó là khoản cổ tức được nhận gia tăng từ các khoản đầu tư, chủ yếu là từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên - Công ty liên kết của Cao su Phước Hòa, với tỷ lệ sở hữu 32,85%.

Sau khi khấu trừ chi phí, hoạt động kinh doanh và tài chính của Cao su Phước Hòa đã tạo ra 582,1 tỷ đồng lợi nhuận.

Bước sang năm 2022, Cao su Phước Hòa có nhiều dấu hiệu thuận lợi trong tăng trưởng lợi nhuận. Ngày 12/1/2022, Công ty đã công bố thông tin về việc nhận được Quyết định số 40/QĐ-TTg của của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án VSIP III. Đây sẽ là cơ sở để UBND tỉnh Bình Dương thu hồi đất và phê duyệt phương án đền bù cho Công ty.

Đối với hoạt động mảng kinh doanh cao su, sau giai đoạn sụt giảm mạnh trong quý III/2021, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, giá các sản phẩm cao su tự nhiên đã tăng mạnh trở lại. Theo dữ liệu cập nhật từ Trading Economics, giá hợp đồng cao su tự nhiên đến ngày 18/2/2022 đã lên tới 2.200 USD/tấn, tăng 13,5% so với đầu năm và đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/6/2021.

Trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh khiến giá cao su nhân tạo cao, giá cao su tự nhiên vì thế cũng tăng và giữ ở mức cao. Xu hướng tăng của giá cao su tự nhiên có thể chưa dừng lại khi các căng thẳng chính trị trên thế giới dự báo có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để mảng kinh doanh thành phẩm mủ cao su của Phước Hòa kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm 2022.

Về dài hạn, chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khu công nghiệp, chuyển đổi đất làm khu công nghiệp được Cao su Phước Hòa thực hiện thời gian qua cũng được đánh giá sẽ đem đến cho Công ty triển vọng sáng hơn trong bối cảnh nhu cầu đất và giá thuê đất các khu công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Với việc đang nắm giữ 32,85% vốn tại Nam Tân Uyên, kết quả kinh doanh của Công ty sẽ được cải thiện khi Dự án Nam Tân Uyên II mở rộng (Cao su Phước Hòa bàn giao đất trong năm 2020) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Tại dự án VSIP III (dự kiến bàn giao đất trong năm 2022), theo kế hoạch Cao su Phước Hòa cũng sẽ góp vốn 20% vào dự án. Bên cạnh đó, còn các dự án khu công nghiệp mới do Công ty trực tiếp đầu tư như Tân Lập 1 (tổng diện tích 200 ha), Tân Bình mở rộng (giai đoạn II với diện tích hơn 1.000 ha), Bình Mỹ (hơn 1.000 ha), Hội Nghĩa (hơn 700 ha)… cũng giúp triển vọng kinh doanh của Công ty thêm sáng sủa.

Tin bài liên quan