Công ty cho biết, nguyên nhân đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng là do những thách thức hiện tại. Cụ thể, trên thị trường quốc tế, DRC chịu áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Brazil khi chính phủ Brazil hết hiệu lực luật thuế chống bán phá giá sản phẩm săm lốp từ Trung Quốc vào tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, nhiều hãng săm lốp Trung Quốc đã chuyển nhà máy sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, khi đó lốp của các hãng này sẽ có xuất xứ Đông Nam Á. Vì vậy, DRC sẽ chịu thêm những cạnh tranh tại thị trường nội địa do những sản phẩm lốp được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0% bởi Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo hiệp định thương mại đã ký.
Năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu 3.858 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8,65% và 77,74% so với năm 2018. Lũy kế trong năm vừa qua, DRC hoàn thành 94,4% kế hoạch doanh thu và 199% kế hoạch lợi nhuận. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,13% lên 14,81% và biên lợi nhuận ròng tăng lên từ 3,97% lên 6,49%.
Như vậy, sau năm 2017 và năm 2018 tăng trưởng âm, năm 2019, DRC đã chứng kiến đà tăng trưởng mạnh trở lại đặc biệt là hiệu quả kinh doanh. Trong đó, ngoài điểm sáng về kết quả kinh doanh, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính cũng có dấu hiệu cải thiện tốt.
Cụ thể, năm 2018 chỉ dương 226 tỷ đồng thì năm 2019 dương 406 tỷ đồng. Nhờ dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tốt, doanh nghiệp đã trả nợ vay và chia cổ tức cho nhà đầu tư lên tới 397 tỷ đồng.
Ngoài ra, gần đây, các cổ đông nội bộ của Công ty đã liên tiếp mua vào cổ phiếu. Cụ thể, vợ Chủ tịch HĐQT đã mua vào 110.000 cổ phiếu DRC, Phó tổng giám đốc Lê Hoàng Khánh Nhựt mua vào 29.900 cổ phiếu; Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Sơn đăng ký mua 50.000 cổ phiếu và vợ Chủ tịch HĐQT tiếp tục đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu, thời gian giao dịch dự kiến từ 27/3 tới 24/4.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu DRC đứng tại mức giá 14.550 đồng/CP, tương ứng mức P/E là 11.05 lần và giá trị sổ sách là 13.739 đồng/CP.