Báo cáo mới công bố của Business Monitor International (BMI) cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015 - 2018 đạt khoảng 16%, doanh số toàn thị trường sẽ tiệm cận mức 10 tỷ USD. Mức chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người mới đạt 30 - 40 USD/năm, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới.
Trong khi đó, IMS Health dự báo, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng tiền thuốc tiêu thụ giai đoạn 2017 - 2021 của Việt Nam sẽ đạt 15-17% nhờ vào dân số tăng trưởng nhanh cùng với thu nhập bình quân đầu người cải thiện, dẫn tới sự quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, trong khi các nghiên cứu cho thấy, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già đang tăng nhanh.
Tiềm năng của ngành dược rất lớn, nhưng tăng trưởng được nhận định sẽ không đến với tất cả các doanh nghiệp. Đơn cử, năm 2017, trong số 11 doanh nghiệp dược đang niêm yết, dự báo có ít nhất 2 doanh nghiệp giảm doanh thu ở mức 2 con số so với năm 2016.
Trong báo cáo mới đây về ngành dược, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp có định hướng chiến lược dài hạn trên nền tảng danh mục sản phẩm tốt, chất lượng cao. Đặc biệt, báo cáo đề cao các doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu để sản xuất thuốc.
Trong bối cảnh gần như 100% nguyên liệu hóa dược sử dụng tại Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, trên 80% nguyên liệu đông dược cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), một số doanh nghiệp đã tập trung xây dựng và triển khai chiến lược đầu tư cho vùng dược liệu sạch như Traphaco, Dược phẩm Nam Hà, OPC.
Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, từ 2 năm nay, huyện đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp triển khai vùng trồng dược liệu sạch, trong đó diện tích rộng nhất là Công ty cổ phần Traphaco.
Riêng tại Bắc Hà, diện tích trồng cây dược liệu tính đến nay đạt khoảng 85 ha, theo quy hoạch sẽ tiếp tục tăng lên 150 ha vào đầu năm 2020. Những năm gần đây, actiso, đương quy, đẳng sâm… đã biến thành “cây vàng”, góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.
Đầu tư cho vùng dược liệu, có thể truy xuất được nguồn gốc và giám sát được quy trình trồng, nhưng rất vất vả. Theo bà Huê, vùng dược liệu sạch tại Bắc Hà, Sapa chủ yếu triển khai trên ruộng của đồng bào dân tộc Dao đỏ, H’Mông.
Ngoài cung cấp giống, hỗ trợ phân bón, bao tiêu sản phẩm với giá thu mua cao hơn 10% so với giá thị trường, doanh nghiệp phải cộng tác với các nhà khoa học, trung tâm khuyến nông để hướng dẫn, tham gia giám sát quy trình kỹ thuật, chăm sóc dược liệu cho bà con.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Traphaco chia sẻ, đầu tư cho vùng trồng dược liệu, doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ trong vài năm đầu. Vấn đề quan trọng nhất là đảm bảo được chất lượng dược liệu cũng như hàm lượng hoạt chất tối ưu.
Năm 2016, Traphaco đã sử dụng 3.383 tấn dược liệu, gồm hơn 100 loại dược liệu và tỷ trọng dược liệu nguồn gốc trong nước chiếm 91,3% nhu cầu sử dụng sản xuất của Công ty. Các sản phẩm của Công ty như thuốc bổ gan Boganic, thuốc bổ não Cebraton, hoạt huyết dưỡng não… đều được bào chế từ dược liệu sạch, truy xuất được nguồn gốc, đạt chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới) và có kiểm chứng lâm sàng đạt hiệu quả điều trị cao. Song, thuốc chủ yếu được bán qua kênh nhà thuốc, còn kênh bệnh viện rất thấp.
“Hiện Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích cho những dược liệu trong nước có nguồn gốc xuất xứ đạt chuẩn được tham gia thầu vào các bệnh viện”, ông Văn nói.
Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 (2012 - 2016) và phát động triển khai giai đoạn 2 đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức gần đây, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ thuốc nội dùng trong các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn còn khiêm tốn. Sau 4 năm triển khai đề án, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh đạt 35,4%, tại các bệnh viện tuyến Trung ương đạt khoảng 10%.
Bộ Y tế đã phát động giai đoạn 2 đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến Trung ương đạt mức 30%, tại bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố là 50% và bệnh viện tuyến huyện là 75%. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp dược tiếp tục vươn lên, đạt tốc độ tăng trưởng cao.