Cạnh tranh ngân hàng: Nội chuẩn bị “đá” ngoại

Cạnh tranh ngân hàng: Nội chuẩn bị “đá” ngoại

(ĐTCK-online) Theo dự đoán của giới kinh doanh ngân hàng, sự cạnh tranh giữa ngân hàng nội với các đối thủ ngoại trong lĩnh vực bán lẻ sẽ diễn ra trong vài năm tới. Vì thế, thời điểm này được coi là giai đoạn quá độ để các ngân hàng trong nước mở rộng mạng lưới, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Ông Nguyễn Quang Định (ảnh), Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã chia sẻ với ĐTCK-online góc nhìn về mảng kinh doanh này.


Nhiều ngân hàng trong nước đang gấp rút thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới, tung ra sản phẩm mới khiến cho thị trường ngân hàng hết sức sôi động. Theo ông, việc mở rộng mạng lưới này hướng đến những mục tiêu nào?

Mỗi ngân hàng có những mục tiêu khác nhau, song cá nhân tôi cho rằng, việc mở rộng mạng lưới đem đến cho ngân hàng 4 lợi ích. Thứ nhất, cho phép ngân hàng tiếp cận tốt hơn và do đó sẽ phục vụ tốt hơn cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, dịch vụ thanh toán và chuyển tiền cho khách hàng sẽ tốt hơn, đặc biệt là những khách hàng trong cùng một hệ thống. Thứ ba, khuyếch trương sự hiện diện của ngân hàng trên phạm vi toàn quốc. Thứ tư, mở rộng mạng lưới sẽ đi kèm với việc tăng quy mô vốn, tổng tài sản, doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào quy mô, địa điểm, địa bàn hoạt động của từng chi nhánh, phòng giao dịch.

 

Có ý kiến lo ngại rằng, mạng lưới càng rộng, càng phân tán thì hiệu quả càng thấp và nhiều ngân hàng đẩy mạnh mở rộng chi nhánh là nhằm chuẩn bị bán cho nước ngoài. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tại một số khu vực, địa bàn, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng TMCP quá nhiều nên hiệu quả hoạt động sẽ không cao. Bản thân PG Bank khi phát triển mạng lưới thường có kế hoạch tổng thể trên cơ sở xem xét mạng lưới hiện tại của Ngân hàng, mạng lưới của ngân hàng khác và khả năng phát triển tại từng khu vực mà Ngân hàng có ý định mở chi nhánh, phòng giao dịch. Cùng với quá trình đô thị hóa và gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp, nhu cầu mở rộng mạng lưới của các ngân hàng tại các địa bàn và khu vực kinh tế mới sẽ phát sinh.

Mỗi ngân hàng có chiến lược phát triển mạng lưới riêng của mình, theo tôi, các ngân hàng hiện nay đẩy mạnh mở rộng chi nhánh không phải nhằm chuẩn bị bán cho nước ngoài, mà là để chuẩn bị cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài khi họ tham gia thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Ngoài ra, thời gian vừa qua các ngân hàng liên tục tăng vốn và để có thể sử dụng vốn hiệu quả đòi hỏi ngân hàng phải tăng quy mô, tổng tài sản, mà một trong những cách thức thực hiện chính là mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là việc phát triển mạng lưới sẽ mất nhiều thời gian và chi phí. Do đó, các ngân hàng nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam thay vì thành lập ngân hàng mới có thể họ sẽ quan tâm đến việc liên kết với ngân hàng nội địa và sử dụng mạng lưới sẵn có của ngân hàng nội địa, khi đó họ sẽ thâm nhập thị trường nhanh hơn.

 

Với tương quan như vậy, ông có nhận xét gì về khả năng cạnh tranh giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại?

Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng Việt Nam và ngân hàng nước ngoài thực tế đã diễn ra trước đây khá lâu, trong từng thời điểm khác nhau, lĩnh vực cạnh tranh khác nhau. Hiện tại, cạnh tranh diễn ra rất gay gắt trong việc tài trợ cho các dự án đầu tư vào Việt Nam, cung ứng các giải pháp quản lý dòng tiền cho doanh nghiệp và tới đây là dịch vụ bán lẻ. Các ngân hàng nước ngoài khi đến hoạt động tại Việt Nam họ mang đến tính chuyên nghiệp ở mức độ cao, tính chuyên biệt hóa của các dòng sản phẩm cũng như định hướng chiến lược toàn cầu của họ, đây là môi trường tốt để các nhân viên Việt Nam học hỏi khi làm việc trong môi trường của họ. Hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tạo sức ép và buộc các ngân hàng Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh trong xu hướng phát triển và sự tồn tại trong tương lai.

Tuy nhiên, mỗi ngân hàng đều có mặt mạnh và mặt còn chưa chiếm được ưu thế tuyệt đối tại mỗi thị trường khác nhau, vậy nên khi nói các ngân hàng nước ngoài hoạt động rất mạnh ở Việt Nam thì chúng ta hiểu là nói đến việc họ chỉ mạnh ở một mặt nào đó, còn ngoài ra thì nhiều lĩnh vực khác mà các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm ưu thế.

Thực tế đã chứng minh, các ngân hàng của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều ngân hàng đã thực hiện tái cấu trúc hoạt động, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng các quy chế, quy trình quản lý theo kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh mạng lưới có sẵn, các ngân hàng Việt Nam sẽ có ưu thế hơn do am hiểu thị trường và văn hóa kinh doanh tại Việt Nam .