Đại diện nhiều nhà thầu cho rằng cần sớm có các quy định cụ thể để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là việc giảm giá thầu vô tội vạ.

Đại diện nhiều nhà thầu cho rằng cần sớm có các quy định cụ thể để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhất là việc giảm giá thầu vô tội vạ.

Cạnh tranh không lành mạnh - vấn nạn lớn trên thị trường xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định trên được Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) và nhiều đại diện doanh nghiệp nêu ra trong hoạt động sinh hoạt chuyên đề của Hội diễn ra sáng 30/11/2024.

Theo VACC, trong nhiều tồn tại trên thị trường thầu xây dựng thời gian qua, cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá thầu vô tội vạ để trúng thầu bằng mọi giá là vấn nạn lớn và cần được nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục.

Thông tin từ VACC cho hay, thời gian qua, nhiều hội viên của VACC phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà thầu nhỏ, trong đó phần lớn là các nhà thầu địa phương với các dự án, phổ biến là dự án hạ tầng giao thông. Theo đó, để trúng thầu, nhiều bên đã chấp nhận giảm giá hàng chục phần trăm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp nhà thầu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các công trình, bởi biên lợi nhuận của các dự án hạ tầng giao thông không lớn.

Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 cho hay, các doanh nhiệp xây dựng địa phương hiện rất đông đảo. Với các dự án quy mô lớn (khoảng từ 1.000 tỷ) thì bên tham gia thường là các nhà thầu lớn, nhưng với các dự án nhỏ (từ dưới 300 tỷ), các nhà thầu địa phương tham gia đấu thầu rất đông. Nhiều trường hợp, các nhà thầu lớn cũng không thể cạnh tranh được bởi các nhà thầu địa phương sẽ giảm giá mạnh, bằng mọi cách để trúng thầu.

“Có dự án chúng tôi tham gia đấu thầu ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhà thầu địa phương giảm giá tới 49%. Chúng tôi cũng không hiểu giảm giá sâu như vậy thì họ làm thế nào để có thể thi công công trình”, ông Khiêm cho hay.

Đại diện nhiều nhà thầu xây dựng cho hay, với các dự án hạ tầng giao thông như san lấp, biên lợi nhuận chỉ khoảng 10%. Do đó, với các nhà thầu lớn, tối đa cũng chỉ có thể giảm giá 7 – 9%, để duy trì công việc cho người lao động. Do đó, việc giảm giá sâu của các nhà thầu địa phương không có cách gì khác, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Tuyên, Binh đoàn 12, thực trạng hiện nay của ngành thầu xây dựng Việt Nam đó là nhà thầu đông nhưng nội lực yếu, chưa nhiều doanh nghiệp lớn, sức đoàn kết chưa cao.

Theo ông Tuyên, thời gian qua, số lượng nhà thầu giao thông dân dụng ngày càng ít đi do cạnh tranh khốc liệt, không lành mạnh, tình trạng giảm sâu về giá: từ 20 – 40% khá phổ biến. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài 2 – 3 năm nữa sẽ gây ra hệ luỵ bởi lượng nhà thầu tiếp tục suy giảm.

Cũng bình luận về tồn tại này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành cho biết, tại các thị trường như Nhật Bản, nếu lợi nhuận không đạt từ 20 – 30%, nhà thầu sẽ không mặn mà. Trong khi đó, ở Việt Nam, biên lợi nhuận rất thấp, nhưng vì nhiều lý do các nhà thầu vẫn phải làm. Giảm giá vô tội vạ hiện đang là vấn nạn, cũng là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra phổ biến hiện nay.

Theo ông Khôi, để cải thiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, rất cần các quy định rõ ràng hơn để làm minh bạch thị trường, hạn chế tình trạng giảm giá vô tội vạ như hiện nay.

Còn theo ông Tuyên, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để làm minh bạch thị trường, mức độ giảm giá tối đa,… Ông Tuyên cũng cho rằng, hiện tại, năng lực của các nhà thầu chưa được đánh giá chuẩn, nhất là với các nhà thầu lớn. Giải pháp đề xuất là giao một bộ chủ trì, ví dụ Bộ Giao thông Vận tải để đánh giá năng lực nhà thầu theo chiều dọc, từ năng lực tài chính, con người, thiết bị,… như vậy sẽ chính xác hơn và giảm được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, thời gian tới, VACC và các hội viên sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với đó là các đề xuất tới Chính phủ, các cơ quan chủ quản về hướng giải quyết các vấn đề lớn của ngành thầu xây dựng, như: đơn giá, định mức, các cơ chế, quy định để hỗ trợ nhà thầu xây dựng phát triển lành mạnh, bền vững.

Tin bài liên quan