Nếu tiếp tục áp trần lãi suất huy động sẽ khó khăn cho các ngân hàng quy mô nhỏ trong huy động vốn

Nếu tiếp tục áp trần lãi suất huy động sẽ khó khăn cho các ngân hàng quy mô nhỏ trong huy động vốn

Cạnh tranh huy động vốn ngày càng gay gắt

(ĐTCK-online) Các ngân hàng lại rơi vào vào tình trạng khan vốn tiền đồng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ thiếu vốn, nhưng dường như các ngân hàng không mong chờ phải rơi vào cảnh được "cứu hộ" nên vẫn đang hết sức tự cứu mình. Những chiêu huy động vốn chưa từng có trong lịch sử thị trường tiền tệ liên tiếp được tung ra.

Siêu ngắn, siêu lãi suất

Hình thức thu hút khách hàng chủ yếu hiện nay vẫn là tiết kiệm dự thưởng, chỉ có điều quy mô giải thưởng được tăng nhanh chóng, khách hàng nào cũng có thể tham gia. Cụ thể, VP Bank vừa ra mắt chương trình khuyến mãi với tổng giá trị giải thưởng là 3 tỷ đồng; Eximbank là "Vui nhộn nhịp, du lịch rộn ràng" có tổng giá trị giải thưởng là 1 tỷ đồng; còn ABBank là "Trở thành tỷ phú, chỉ với 1 triệu đồng".

Thế nhưng, điểm nhấn trên thị trường hiện nay không phải là các giải thưởng mà là các chương trình siêu lãi suất với các khoản tiết kiệm kỳ hạn siêu ngắn. Đối với Eximbank, khách hàng chỉ cần gửi tiền đủ 24h và rút cũng được hưởng lãi với chương trình "Tiết kiệm qua đêm 24 giờ". Điều này trước đây chưa từng có, nếu không muốn nói là khách hàng rút tiền sớm thậm chí còn mất thêm phí, chứ đừng nói là có lãi.

Nhiều ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ như: SCB, HDBank, Navibank… lãi suất huy động kỳ hạn tuần được áp dụng là 11,5%/năm, xấp xỉ bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Đặc biệt, với SCB, lãi suất không kỳ hạn được điều chỉnh từ 3,6%/năm lên 9%/năm.

Không chỉ ngân hàng nội, khối ngân hàng ngoại cũng tham gia vào cuộc đua này, có ngân hàng nước ngoài tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 6 tháng lên 12%/năm. Có thể nói, chưa bao giờ cạnh tranh trong huy động vốn giữa các ngân hàng lại gay gắt như hiện nay.

Bỏ trần vẫn nóng?

"Vay vốn qua thị trường liên ngân hàng, dù trả lãi suất cao nhưng cũng không dễ dàng như trước đây, buộc các ngân hàng phải tăng cường huy động từ thị trường một là dân cư và tổ chức kinh tế", ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank nói.

Nhiều ngân hàng cho rằng, NHNN cần sớm bỏ trần lãi suất huy động. Theo tổng giám đốc một ngân hàng, nếu tiếp tục áp trần lãi suất huy động sẽ khó khăn cho các ngân hàng quy mô nhỏ trong huy động vốn. Thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ phải gia tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn ngày mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi. Riêng với các ngân hàng vừa chuyển đổi quy mô hoạt động từ nông thôn lên thành thị vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức 12%/năm, thế nhưng, lượng vốn nhàn rỗi vào ngân hàng không nhiều, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn cao.

Theo số liệu của NHNN, tại TP. HCM, kết thúc 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt trên 10%, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 7%. Còn trên toàn quốc, kết thúc 4 tháng đầu năm, tổng số dư tiền gửi tăng 5,39% so với đầu năm, dư nợ cho vay tăng 14,73%, cao hơn mức 9,79% của cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia tài chính đánh giá, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng các ngân hàng còn tiếp tục cạnh tranh mạnh khi trần lãi suất huy động được gỡ bỏ. Tuy nhiên, việc NHNN kịp thời hỗ trợ vốn cho các ngân hàng theo nội dung Văn bản số 1255/NHNN-TD ngày 13/5 sẽ giúp ngân hàng có điều kiện hơn trong việc nâng cao thanh khoản, góp phần ổn định thị trường.

Cụ thể, các ngân hàng được chủ động cân đối nguồn vốn, tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở tại NHNN và thực hiện các hình thức huy động vốn khác để đảm bảo khả năng thanh khoản. Nếu thực sự khó khăn về vốn khả dụng, nhưng không có đủ giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn tham gia nghiệp vụ thị trường mở hoặc tham gia nhưng không trúng thầu, các ngân hàng có thể đề nghị NHNN xem xét cho vay tái cấp vốn. Nhưng yêu cầu đưa ra của NHNN là các ngân hàng không được sử dụng nguồn vốn vay tái cấp vốn này để mở rộng tín dụng.