Ngân hàng tăng lãi suất huy động...
Hiện tại, để tăng sức cạnh tranh, nhiều nhà ngân hàng đã nâng lãi suất huy động trung hạn lên mức cao nhất. Đơn cử, Viet A Bank đã tăng lãi suất kỳ hạn 7 tháng lên 8,4%/năm. Tại SHB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng được nâng lên 8,2%/năm. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng nhỏ, đơn cử như CBBank hay ABBank, nếu muốn nhận lãi suất từ 8-8,2%/năm, khách hàng phải gửi với kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng trở lên.
Gửi tiết kiệm lâu nay vẫn luôn là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn bởi vừa có thể sinh lời, vừa đảm bảo an toàn, nhất là khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang trong xu hướng tăng dần như hiện nay.
Theo đó, chiến lược tăng sức hút nguồn tiền nhàn rỗi bằng cách đưa ra nhiều giá trị lợi ích "ăn liền" thông qua các chương trình khuyến mãi quà tặng, nâng lãi suất đầu vào, kết hợp với việc không ngừng sáng tạo xây dựng những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, phù hợp từng nhu cầu khách hàng được các ngân hàng đồng loạt áp dụng. Bởi vậy, cạnh tranh huy động tiền gửi giữa các ngân hàng chưa khi nào hết "nóng".
Đơn cử, tại HDBank, khách hàng chỉ cần gửi 10 triệu đồng là có cơ hội trúng thưởng 1 tỷ đồng. Hay tại VIB, khi gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ nhận "combo" các ưu đãi lãi suất như 0,1%/năm lãi suất tặng thêm, 1%/năm lãi suất trên toàn bộ tiền lãi...
Ông Hồ Vân Long, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, khách hàng gửi tiết kiệm đều mong muốn lựa chọn một ngân hàng uy tín và an toàn, có giá cả và ưu đãi cạnh tranh nhất, dịch vụ khách hàng tốt nhất để gửi tiền. Hiện tại, VIB áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 7,2-7,6%/năm với các kỳ hạn 6-12 tháng và từ 7,5-8%/năm với các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên
"VIB muốn thay đổi suy nghĩ gửi tiết kiệm là hình thức sinh lời thụ động. Bởi thực tế, khoản khoản lãi tiết kiệm có thể tăng thêm nhiều lần nếu khách hàng có được giải pháp tài chính hiệu quả…", ông Long chia sẻ.
... Chạy đua phát hành trái phiếu
Không chỉ nâng lãi suất đầu vào, nhiều ngân hàng còn đua phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, lãi suất cao để tăng huy động vốn. Chẳng hạn, LienVietPostBank vừa phát hành thành công 3.100 tỷ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm.
"Lượng vốn huy động lần này sẽ được sử dụng để tăng vốn lưu động, cải thiện cơ cấu huy động vốn, bảo đảm tuân thủ lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước", đại diện LienVietPostBank thông tin.
HDBank cũng cho biết sẽ phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu lần 3 năm 2019 với tổng mệnh giá phát hành 3.000 tỷ đồng. Trước đó, HDBank đã hoàn tất việc huy động 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu (5 đợt). Theo đại diện Ngân hàng, số tiền này đã được bổ sung vào nguồn vốn trung - dài hạn, giúp tăng quy mô vốn hoạt động, cải thiện hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.
Tính đến tháng 7/2019, VPBank đã phát hành thành công 5.900 tỷ đồng trái phiếu trong nước và mới phát hành thêm 300 triệu USD trái phiếu quốc tế trong kế hoạch phát hành tổng cộng 1,12 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, ACB huy động được 7.850 tỷ đồng, VIB là 5.100 tỷ đồng... từ phát hành trái phiếu. Trong năm nay, VietinBank dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, Eximbank có kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ...
Chi phí đầu vào tăng, lãi suất đầu ra khó giảm mạnh
Sau động thái giảm lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã điều chỉnh lãi suất, điều này giúp giảm sức ép lên tỷ giá.
Theo đó, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, song mức giảm chưa nhiều. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm thêm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước thực tế hoạt động của các ngân hàng hiện nay, lãi suất cho vay được dự báo khó có thể giảm mạnh, nhất là đối với kỳ hạn dài.
TS. Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng có thể còn tăng lên khi mà nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu lãi suất cao lên đến 13-14%/năm để hút nguồn vốn nhàn rỗi. Ngược lại, mặt bằng lãi suất cho vay khó kỳ vọng giảm sâu do chi phí huy động vốn đang ngày một tăng, cộng thêm áp lực tái cơ cấu lại nguồn đáp ứng lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại các ngân hàng.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng đó là chưa đủ để thiết lập một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.