Mức trần lãi suất tiết kiệm VND 14%/năm chỉ được ngân hàng áp dụng đối với các khoản tiền gửi giá trị thấp, chưa tới 100 triệu đồng. Thậm chí, một số nhà băng còn trả lãi suất vượt trần quy định cho khoản tiền gửi trên 50 triệu đồng. Lãi suất tiết kiệm thực mà các nhà băng trả cho khách hàng gửi tiền hiện nay dao động khoảng 17 - 18%/năm và ở mức 19 - 20%/năm đối với những khoản tiền gửi khoảng 1 tỷ đồng trở lên. Điều này cho thấy, cạnh tranh huy động vốn tiền đồng ở các ngân hàng, nhất là các đơn vị quy mô nhỏ, vẫn đang rất gay gắt.
Vì thế, giải pháp duy nhất được phân khúc ngân hàng cổ phần nhỏ áp dụng là chào mời khách hàng gửi tiền, với mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn. Chị Thanh (TP. HCM) cho biết, với khoản tiền tiết kiệm xấp xỉ 2 tỷ đồng, hiện vợ chồng chị cũng có được khoản lãi khoảng 32 triệu đồng/tháng, tính theo lãi suất thực mà ngân hàng đã trả là 19%/năm. Thế nhưng, chị Thanh còn cho biết thêm, giữa tuần qua, nhân viên của một nhà băng nhỏ, không biết từ đâu có được thông tin và số điện thoại, đã liên lạc, chào mời chị gửi tiền với mức lãi suất 20%/năm.
Mặc dù không công khai và phải hạch toán ngoài, nhưng lãi suất vượt trần đang trở nên phổ biến ở các ngân hàng và người gửi tiền cũng quen dần với việc này, bởi áp lực lạm phát kỳ vọng đang còn khá cao.
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có thể CPI theo năm đạt 21 - 22% trong tháng 7 và tháng 8, nhưng sau đó sẽ giảm mạnh từ tháng 9 và cuối năm còn 15%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lãi suất sẽ giảm mạnh như mong đợi và lãi suất thực trên thị trường vẫn cao hơn so với mức trần 14%. Mặt khác, tổng phương diện thanh toán trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng quá thấp với mức tăng 3%. Do đó, các ngân hàng đang nhìn nhau và sợ nếu hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ mất khách hàng, dẫn đến thanh khoản có vấn đề.
Vì thế, trước mắt, các ngân hàng chưa thể giảm lãi suất và cạnh tranh huy động vốn còn gay gắt. Trong đó, ngân hàng đang có vốn khả dụng dư thừa cũng không muốn tiền tiết kiệm chạy sang nhà băng khác có lãi suất cao hơn. Hơn nữa, những tháng cuối năm, nhu cầu vốn thường tăng cao, nên bằng mọi cách, các nhà băng phải giữ lại nguồn tiền tiết kiệm. Do đó, ngoài mức lãi suất hấp dẫn, các chương trình khuyến mãi cũng được tung ra. Eximbank có chương trình "Hè rộn ràng, tưng bừng khuyến mãi" từ 1/8 - 29/10, với việc khách hàng được tham gia quay số dự thưởng và nhận ngay quà tặng. SCB triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi dự thưởng "Ưu đãi trao tay - Vận may gõ cửa" cho khách hàng cá nhân tham gia mua chứng chỉ tiền gửi ghi danh bằng VND với mệnh giá từ 1 triệu đồng trở lên, tổng giá trị giải thưởng lên đến 2,3 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia tài chính, sở dĩ huy động tiền đồng chưa bớt nóng là do những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng còn ở mức thấp (đến cuối tháng 6/2011, dư nợ cho vay toàn ngành chỉ đạt mức 7%), đồng thời vốn huy động về bằng tiền đồng trong 6 tháng qua chỉ đạt gần 3%. Điều này dẫn đến thanh khoản của một số ngân hàng bị suy yếu, đồng thời các nhà băng cũng kỳ vọng những tháng còn lại của năm sẽ có thêm điều kiện cho vay ra, khi mặt bằng lãi suất được đánh giá theo chiều hướng điều chỉnh dần, kích thích tín dụng tăng trưởng trở lại trong mùa kinh doanh cuối năm. Đây cũng được xem là cơ hội cho các nhà băng gia tăng nguồn thu từ tín dụng - nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận. Và thực tế, huy động tiền đồng với lãi suất bình quân 16 - 17%/năm hiện nay, các nhà băng cho vay ra 22 - 24%/năm thì vẫn thu lãi lớn trong hoạt động tín dụng.
Hiện một số nhà băng còn nhiều dư địa cho vay (khi chưa sử dụng hết room 20% theo quy định và dư nợ phi sản xuất được kiểm soát tốt) bắt đầu kích hoạt cho vay bằng cách giảm lãi suất. Cụ thể, từ nay đến 31/12/2011, ACB triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, không giới hạn số lần giải ngân. Theo đó, ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TP. HCM và Hà Nội), hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành khác. HDBank cũng ưu đãi lãi suất cho các ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí - chế tạo máy, dệt - may, da - giày, giảm từ 1% - 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường…