Cạnh tranh giành 'miếng bánh' EdTech

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường giáo dục trực tuyến (EdTech) Việt Nam có quy mô hàng tỷ USD, đang cạnh tranh quyết liệt.
Thị trường giáo dục trực tuyến (EdTech) Việt Nam có quy mô lên đến 2 tỷ USD

Thị trường giáo dục trực tuyến (EdTech) Việt Nam có quy mô lên đến 2 tỷ USD

Quy mô thị trường không ngừng tăng trưởng

Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây của ResearchAndMarkets và Statista cho thấy, quy mô thị trường EdTech tại Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến mở rộng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% trong thời gian tới. Dự báo, năm 2025, quy mô thị trường có thể đạt 1,5 - 2 tỷ USD nhờ sự gia tăng nhu cầu về giải pháp học tập trực tuyến, đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và sự phát triển không ngừng của công nghệ trong giáo dục.

Còn theo Sách trắng EdTech 2024, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng EdTech nhanh nhất thế giới và top 3 quốc gia EdTech tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 20% tổng số EdTech toàn khu vực. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) khoảng 42,69 USD/người (năm 2024). Số lượng người dùng dự kiến lên tới 11,8 triệu người vào năm 2029.

Thị trường EdTech đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện có khoảng 70 quỹ đầu tư ở Việt Nam, chưa bao gồm các quỹ đầu tư nước ngoài, tham gia đầu tư vào EdTech.

Cũng trong năm 2023, gần 200 triệu USD đã được đầu tư cho EdTech. Trong đó, có thể kể đến Equest công bố huy động thành công 120 triệu USD, gồm cả khoản vay và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư hiện tại là KKR (công ty đầu tư toàn cầu của Hoa Kỳ); Elsa huy động thêm 23 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất do UOB Venture Management dẫn đầu; start-up Vuihoc huy động được 6 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura...

Theo TS. Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), EdTech là thị trường rộng lớn và ổn định, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp sáng tạo. Với 22 triệu học sinh, sinh viên, 1,6 triệu giáo viên; 53.000 trường mầm non, phổ thông và gần 400 trường đại học, tính tổng cộng cả giáo viên và học sinh, số lượng người trong lĩnh vực giáo dục chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước, cho thấy tiềm năng của thị trường này rất lớn, đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp sáng tạo.

Gia tăng cạnh tranh

Quy mô thị trường EdTech thế giới đạt khoảng 144,6 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường EdTech được dự đoán sẽ tăng lên 457,97 tỷ USD vào năm 2032, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,5% trong giai đoạn 2023 - 2032.

Dù giàu tiềm năng, nhưng thị trường EdTech Việt Nam cũng không hề “dễ thở”, khi sự cạnh tranh đang diễn ra quyết liệt. Khoảng 750 doanh nghiệp, start-up, cung cấp đủ mọi nhu cầu, mô hình đào tạo. Thị trường đang có sự đào thải rất lớn. Nhiều doanh nghiệp bước vào thị trường này với tâm lý “ăn xổi”, muốn kinh doanh trong thời gian ngắn, hơn là làm chỉn chu và có tâm, khiến không ít phụ huynh mất niềm tin. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh rất lớn với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách thâm nhập thị trường.

Theo ông Đỗ Ngọc Lâm, CEO Vuihoc, các start-up Việt Nam có những lợi thế riêng trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Lĩnh vực giáo dục luôn cần sự bản địa hóa sâu sắc, đòi hỏi mỗi EdTech phải thực sự hiểu về văn hóa, tập quán học tập, cách thi cử và nhu cầu của người dùng. Đây là điều không dễ để các giải pháp EdTech ngoại có thể tham gia vào thị trường Việt Nam.

Trước đây, các EdTech ngoại có thế mạnh về nguồn vốn, công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, đặc biệt sau sự ra đời của AI tạo sinh như ChatGPT, việc ứng dụng công nghệ ngày càng dễ dàng và công bằng cho tất cả.

“EdTech nội có lợi thế nhờ hiểu được văn hóa, cách thức vận hành hệ thống giáo dục Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để EdTech Việt chiếm lĩnh được thị trường. Với Vuihoc, một trong những trọng tâm của chúng tôi là đầu tư cho công nghệ, đặc biệt là AI”, ông Lâm chia sẻ.

Ông Dương Xuân Cường, Giám đốc marketing GetCourse Việt Nam nhận định, thị trường EdTech Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng, nhưng thiếu nhiều yếu tố quan trọng như hạ tầng và kiến thức chuyên sâu. Hiện tại, các nhà đào tạo và giáo dục ở Việt Nam vẫn đang sử dụng những phần mềm và công cụ khá lỗi thời, chưa bắt kịp xu hướng toàn cầu, gây nhiều khó khăn trong việc vận hành các dự án đào tạo trực tuyến.

“Chẳng hạn, khi muốn phát video hoặc tổ chức các buổi webinar trực tuyến, các đơn vị phải dùng nhiều phần mềm khác nhau để tạo nội dung cho khóa học. Việc không tích hợp mọi thứ vào một nền tảng duy nhất khiến cho việc quản lý trở nên rất khó khăn”, ông Cường nói.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều nội dung giảng dạy, giáo dục đang bị vi phạm bản quyền. Có rất nhiều cách để đánh cắp chất xám của các nhà đào tạo, nhiều nhà giáo dục chưa bảo vệ được nội dung của mình. Hệ quả là khi nội dung được bán cho một người, có thể 10 người khác cũng học được. Nội dung có thể phổ biến, nhưng không đem lại lợi ích kinh tế cho người tạo ra. Điều này không chỉ khiến cho việc bảo vệ bản quyền trở nên khó khăn hơn, mà còn khiến các nhà giáo dục và đào tạo trực tuyến bị mất đáng kể doanh thu, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo.

Còn theo ông Trần Đức Hùng, nhà sáng lập, kiêm CEO của Edupia, thời gian qua, mô hình EdTech bị phụ thuộc khá nhiều vào quảng cáo trên các kênh tìm kiếm, mạng xã hội, trong khi chi phí ngày càng tăng mà hiệu quả lại giảm đi. Do thị trường EdTech liên tục thay đổi, từ việc tổ chức bán hàng đến sản phẩm, vì vậy, các nền tảng phải thường xuyên cập nhật, nếu không sẽ bị những ứng dụng tốt hơn thay thế và giành lấy thị phần.

Bên cạnh đó, nền kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến sức mua của người dân, nên EdTech cũng bị ảnh hưởng nhất định. Cuối cùng, đó là hiệu ứng “hậu Covid-19”, trong giai đoạn dịch, câu chuyện học tập và họp trực tuyến được nhắc đến rất nhiều, nhưng sau đó, khi trở lại cuộc sống bình thường, những ứng dụng online có xu hướng phát triển chậm lại.

Tin bài liên quan