Cạnh tranh bằng giá thành

(ĐTCK-online) Cạnh tranh bằng giá cả là chiến lược hiệu quả của DN, được áp dụng rộng rãi trong việc giành thị phần và tăng doanh thu sản phẩm.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh bằng giá thành sản phẩm mà vẫn giữ được tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, đối thủ cạnh tranh, các chi phí sản phẩm (dịch vụ) và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đối với DN.

Giá sản phẩm được đưa ra vừa phải đảm bảo sức cạnh tranh, nhưng cũng đảm bảo lợi nhuận để DN có thể tồn tại và làm hài lòng các cổ đông. Một số nguyên tắc cơ bản là giá thành sản phẩm (dịch vụ) của DN cần được so sánh trong mối tương quan và sự cân nhắc mức giá của các đối thủ cạnh tranh, chi phí giá thành và sự hài lòng của khách hàng mua sản phẩm đó. Nguyên nhân do DN không chỉ căn cứ vào chi phí của mình, mà còn cần căn cứ vào thị trường cũng như là việc xác định mức giá mang lại lợi nhuận từ sản phẩm hay dịch vụ cung cấp. Cho nên, kế hoạch đề ra phải đưa ra được mức giá cạnh tranh cho sản phẩm (dịch vụ), nhưng cần đảm bảo với mức giá ấy, DN vẫn thu được lợi nhuận.

 

Căn cứ để xác định giá thành sản phẩm

- Chi phí trực tiếp của sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp: Đây thường là căn cứ cơ bản nhất để lên kế hoạch cho giá thành sản phẩm, do con số này đề cập tới những nguyên liệu trực tiếp và sức lao động để tạo nên sản phẩm hay dịch vụ.

- Chi phí gián tiếp cho sản phẩm: Những chi phí này thường là tổng chi phí và bao gồm cả những chi phí như bảo hiểm, quảng cáo, thuê nhà, chi phí văn phòng. Mặc dù những chi phí này không trực tiếp góp vào chi phí sản xuất, nhưng DN cần xem xét và tính toán xem hết bao nhiêu để tính toán giá bán sản phẩm cho hợp lý.

- Điểm hoà vốn: Hoà vốn là điểm mà chi phí sản xuất và số tiền thu được bằng nhau (doanh thu bằng chi phí). Khi đã bán được số sản phẩm cần thiết, tức là đạt đến điểm hoà vốn, thì các sản phẩm còn lại sẽ đem lại lợi nhuận cho DN. Lãnh đạo DN không thể điều hành việc kinh doanh nếu không biết còn bao nhiêu sản phẩm cần phải bán trước khi thu được lợi nhuận. Trong trường hợp DN không bán được số sản phẩm để đạt đến điểm hoà vốn, thì DN cần phải điều chỉnh lại kế hoạch, chính sách kinh doanh của mình.

- Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: So sánh cách chào hàng và giá cả của đối thủ để thấy được lợi thế của sản phẩm của mình trên thị trường là công việc cần làm của DN để đảm bảo được lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, DN không nên chỉ tập trung vào mỗi giá nếu bản thân DN chỉ là DN nhỏ, do các DN nhỏ thường không thể cạnh tranh bằng giá cả về lâu về dài. DN cần kiểm tra các công đoạn sản xuất, chi phí bên trong và quyết định khi nào có thể thu thêm lợi nhuận mà không cần phải tăng thêm chi phí. Lợi nhuận thu thêm có thể giúp DN khuyến mại khách hàng và định giá sản phẩm để có lợi nhuận tốt hơn.

- Hiện trạng ngành nghề và của toàn bộ nền kinh tế: DN cần thay đổi và nhận thức được sự thay đổi trong ngành nghề cũng như trong toàn bộ nền kinh tế khi lập kế hoạch để sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ mới. DN nên tìm hiểu thị trường để có thể tiếp tục có những quyết định kinh doanh sáng suốt.

DN có thể hạ thấp giá chào hàng làm bước khởi đầu để tạo ra khối lượng bán hàng lớn. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn mang lại hiệu quả cao về lợi nhuận. Không có lợi nhuận đồng nghĩa với việc thất bại trong kinh doanh của DN. Do vậy, DN cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để biết thị trường đang cần gì và làm thế nào để đáp ứng được những nhu cầu ấy với các sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi nhuận cho bản thân DN. Mọi quyết định về giá cả được đưa ra nên cân nhắc kỹ về sự tác động đối với khách hàng để họ có được giá trị sử dụng tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Khi đó, việc kinh doanh của DN sẽ thu được lợi nhuận.