Với những doanh nghiệp lớn, việc chọn doanh nghiệp kiểm toán quy mô hàng đầu, có thương hiệu không chỉ vì sự phù hợp với quy mô của doanh nghiệp mình, mà còn là một cách để “chiều lòng” cổ đông. Bởi tại không ít kỳ Đại hội đồng cổ đông, khi HĐQT doanh nghiệp đưa ra xin ý kiến về đơn vị thực hiện kiểm toán, cổ đông đã phản đối khi thấy lãnh đạo doanh nghiệp chỉ đề xuất công ty kiểm toán nội địa và kiến nghị phải thuê kiểm toán Big4.
Ưu thế về quy mô, thương hiệu đã giúp các công ty Big4 nhận được hầu hết các hợp đồng kiểm toán với các doanh nghiệp lớn trên thị trường. Miếng bánh thị phần doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa thuộc về khoảng 136 công ty còn lại. Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho thấy thực tế này.
Cụ thể, riêng 4 công ty kiểm toán lớn nhất thị trường (Big4) đã đóng góp trên 50% tổng doanh thu, 136 công ty chia nhau 50% doanh thu còn lại. Dù một số công ty kiểm toán trong nước có số lượng kiểm toán viên tương đương, thậm chí lớn hơn, song doanh thu của các công ty chỉ bằng 1/4 doanh thu của các công ty trong nhóm Big4.
Áp lực cạnh tranh trong nhóm công ty kiểm toán nội địa ngày càng gay gắt và giá phí được xem là một trong những vũ khí cạnh tranh. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn nhiều doanh nghiệp nhỏ thường có đặt tiêu chí phí rẻ trong ưu tiên chọn đơn vị kiểm toán. Trong phương án chọn công ty kiểm toán mà CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ năm nay, trong một loạt những tiêu chí đưa ra, bên cạnh những tiêu chí bắt buộc mà một đơn vị kiểm toán công ty đại chúng phải đáp ứng thì có chi phí kiểm toán hợp lý.
Chia sẻ với ĐTCK, Kế toán trưởng một công ty niêm yết có quy mô vốn gần 400 tỷ đồng, kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, nông nghiệp cho biết, trước mỗi mùa ký hợp đồng thuê kiểm toán, chị thường xem xét một số công ty có quy mô phù hợp với nhu cầu kiểm toán của Công ty, sau đó đàm phán về giá phí với các công ty này, công ty nào đưa ra mức phí rẻ hơn thì được “chấm”.
Cạnh tranh bằng phí với các hàng hóa, dịch vụ thông thường là điều tích cực với thị trường, giúp người sử dụng hàng hóa, dịch vụ được hưởng giá rẻ hơn, nhưng với dịch vụ kiểm toán, việc hạ giá phí quá mức sẽ khiến các thủ tục kiểm toán có thể chỉ đảm bảo các thủ tục tối thiểu, rủi ro sai sót là rất lớn.
“Áp lực cạnh tranh trong nhóm kiểm toán nội rất gay gắt và cuộc cạnh tranh giá phí đang đe dọa chất lượng kiểm toán’, một chuyên gia trong ngành cho biết.
Thực tế, câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh bằng giá phí nóng bỏng trên thị trường kiểm toán nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào giải quyết rốt ráo vấn đề này.
Mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo về chủ đề này. Tại Hội thảo, nhiều giải pháp hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá phí kiểm toán, thúc đẩy sự cạnh tranh tuân thủ các quy định của pháp luật đã được đưa ra. Trong đó, các chuyên gia kiến nghị Bộ Tài chính, khi việc quản lý giá phí với lĩnh vực này khó khả thi, việc tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán thông qua việc tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ hàng năm, xây dựng bộ chỉ số chất lượng chia theo nhóm lĩnh vực (như doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp FDI, kiểm toán xây dựng cơ bản…) để làm cơ sở đánh giá chất lượng trên thị trường, hình thành mặt bằng giá phí.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Gỗ Trường Thành (TTF)
Thông thường, các doanh nghiệp khi lựa chọn công ty kiểm toán thường duy trì khoảng 2 đến 3 năm. Bởi nếu thay đổi CTCK theo từng năm thì sẽ mất nhiều thời gian hơn, khi các CTCK phải trải qua quá trình nghiên cứu doanh nghiệp.
Năm 2020, Việt Nam sẽ tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh
Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tổng quát Việt Nam cần tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước.
Cũng theo Chiến lược của ngành, mục tiêu thứ hai là xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.
Mục tiêu thứ ba là nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Cùng với đó, ngành kế toán, kiểm toán cần phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng; tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán - kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Riêng đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập, giai đoạn 2016 – 2020, Chiến lược phát triển của ngành đặt ra mục tiêu tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Kế toán - kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.