Anh Phạm Văn Bình (Ba Đình, Hà Nội) vừa cho ĐTCK biết, anh nhận được e - mail của một người đàn ông có tên gọi là Al. Misherghi Mahmud Ahmed, công dân Libya, đại diện cho một số công dân Libya đề xuất sử dụng một khoản tiền trong quỹ trị giá 17.500.000 USD để đầu tư vào các hoạt động đầu cơ sinh lời tại Việt Nam. Dù nhận thức được câu chuyện này có dấu hiệu lừa đảo nhưng anh Bình vẫn gửi thư trả lời để xem sự việc sẽ đi đến đâu.
Tưởng "cá đã cắn câu" nên người đàn ông kia gửi ngay Biên bản ghi nhớ với các quy định, điều khoản tương đối cụ thể. Ví dụ: ông Al. Misherghi được gọi là bên A, anh Bình là bên B. Bên A sẽ chịu trách nhiệm cung vốn cho bên B để duy trì quỹ và kinh doanh thông qua một tài khoản ngân hàng được chỉ định tại một ngân hàng quốc tế lớn. Bên B được toàn quyền quyết định kinh doanh đối với quỹ đầu tư.
Hay thông tin về nguồn vốn để đầu tư, vấn đề kiểm soát và bảo đảm quỹ, tỷ lệ đầu tư cũng được đưa ra khá chi tiết. Bên cạnh đó, Biên bản ghi nhớ còn nhấn mạnh, những giao dịch này mang tính chất riêng tư, do đó, mọi chi tiết giao dịch phải đảm bảo bí mật (!).
Tương tự như câu chuyện của anh Bình, chị Nguyễn Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận được e - mail từ một người có danh xưng là Akbar Sheikh, Giám đốc Kiểm soát nợ tại một ngân hàng ở Burkina Faso, một quốc gia nằm ở Tây Phi, có số điện thoại +226 74 69 00 26.
Akbar Sheikh cho biết đang nắm giữ một khoản tiền trị giá 2.500.000 USD từ một người Iraq mà người này cùng gia đình đều đã qua đời rất lâu trong cuộc chiến tại Iraq trước đây. "Nếu bạn có hứng thú với việc nhận giúp tôi khoản tiền này, tôi sẽ gửi lại cho bạn những thông tin cụ thể hơn về các thủ tục giao dịch. Hãy đọc bức thư này với tâm trạng thoải mái, đừng nghi ngờ về những lợi nhuận sẽ đem đến cho bạn. Hãy tin tôi, tôi xin đảm bảo rằng sẽ không làm bạn phải thất vọng", người này nhấn mạnh.
Đem những câu chuyện này đi hỏi Luật sư Phạm Chí Công, Luật sư điều hành Công ty Luật Khai Phong, Luật sư cho biết, cuối năm ngoái, một số tổ chức, cá nhân tự giới thiệu là đại diện của các tổ chức quốc tế đến làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan tỉnh, thành phố và DN Việt Nam chào vay khoản tiền lớn với lãi suất thấp trong thời hạn dài hoặc chào tài trợ không hoàn lại với điều kiện của khoản vay là phải có bảo lãnh hoặc bảo đảm của Chính phủ do Bộ Tài chính, NHNN hoặc các NHTM.
Tuy nhiên, khi xác minh về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của các tổ chức chào cho vay thì đều phát hiện ra rằng các cá nhân, tổ chức này thực chất không có khả năng thu xếp và cung cấp các khoản tài chính lớn cho Việt Nam. Khi đó, NHNN ra Công văn số 7824/NHNN-TD cảnh báo về việc thận trọng đối với các khoản chào cho vay vốn của đối tác nước ngoài.
Nếu trong trường hợp vẫn xác định được người nhận tiền chuyển khoản chưa có dấu hiệu bỏ trốn, công dân Việt Nam có thể kiện để đòi tiền. Còn nếu có yếu tố lừa đảo thì sẽ được xét xử theo quy định của Luật Hình sự, khi đo, người bị lừa gửi đơn lên Interpol Việt Nam để cơ quan này phối hợp với cảnh sát nước sở tại truy tìm đối tượng lừa đảo.
Tuy nhiên, trong trường hợp khoản tiền bị lừa vào khoảng vài nghìn USD, hầu như không có khả năng đòi lại. "Đối với dân sự, luật pháp không có những quy định cụ thể bảo vệ cho những giao dịch thương mại điện tử nên những cá nhân nhận được các tài liệu có dấu hiệu lừa đảo phải tự đề cao cảnh giác, tự bảo vệ mình", luật sư Công nói.