Cảnh giác với chiêu “bán nhà cắt lỗ”

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà đầu tư đã tăng cường tái phân bổ vốn, đồng thời tăng tỷ lệ đầu tư tài sản lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để có tiền trang trải trong mùa Covid-19, các môi giới bất động sản đã dùng nhiều chiêu trò để dụ khách hàng xuống tiền, trong đó rao bán cắt lỗ là “bài” được dùng nhiều nhất.

Kiểm chứng kỹ thông tin

TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đặc biệt là nhân viên môi giới. Những khó khăn mà dân môi giới gặp phải không thua kém công nhân bị mất việc.

Để tồn tại, các nhân viên môi giới xoay đủ cách. Một trong những cách là họ săn hàng giá rẻ để mua, sau đó rao bán lại ăn tiền chênh. Ví như, với mảnh đất nền giá khoảng 1,5 tỷ đồng, vài môi giới góp tiền mua (thông thường họ chỉ đặt cọc) rồi lập tức rao bán lại với giá tầm 1,8 - 2 tỷ đồng. Nếu gặp được trường hợp nào người bán cần tiền thì lúc đó ép giá và ăn tiền chênh sẽ lớn hơn.

Khi môi giới mua được hàng, họ dùng chiêu rao bán cắt lỗ để gây sự chú ý với khách hàng, nhưng thực chất giá bán “cắt lỗ” vẫn ngang bằng với giá trên thị trường, không có chuyện giảm vài trăm triệu đồng như những người này quảng cáo.

Dạo qua các diễn đàn bất động sản, đâu đâu cũng xuất hiện những cụm từ như: “do ảnh hưởng của dịch, cần tiền bán gấp”, hay “cắt lỗ chung cư”, “bán cắt lỗ gấp”. Vào công cụ tìm kiếm Google, chúng tôi gõ cụm từ "bán căn hộ cắt lỗ", sau 0,52 giây đã cho ra hơn 2,6 triệu kết quả liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh (Đức Linh Real) cho biết, nhiều tin rao cắt lỗ ảo từ môi giới còn nhằm mục đích thu thập dữ liệu của khách hàng.

“Nhiều khách hàng của Đức Linh Real là nạn nhân của chiêu này, khi liên hệ vào những số điện thoại rao bán trên thì được báo là sản phẩm đã bán rồi. Sau đó bị lưu lại số điện thoại và bị “tra tấn” bởi những cuộc gọi mời chào mua sản phẩm ở dự án khác”, bà Linh nói.

Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, hiện trên thị trường có trường hợp bán cắt lỗ thật và bán cắt lỗ ảo. Trong đó, những dự án lỗ thật là dự án đang tranh chấp, vướng pháp lý, bán cắt lỗ để tránh ôm hàng, hoặc một vài người khó khăn đột xuất về tài chính cần bán gấp. Lỗ ảo thực chất là giảm bớt lãi giá chênh lệch giữa lần mở bán đầu với lần mở bán sau. Người mua sản phẩm đợt đầu có thể lời từ 15 đến 20% so với người mua những đợt sau, vì vậy dù có bán lỗ 5 - 10% thì họ vẫn còn lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME khẳng định, thông tin cắt lỗ là hoàn toàn phi lý, bởi so với cuối năm 2020, hiện nay giá vật liệu xây dựng đã tăng 20 - 50%, chưa nói đến giá nhân công, tiền sử dụng đất tăng, cùng với tâm lý sở hữu nhà vẫn khá phổ biến trong quan niệm của đa phần người dân.

“Chi phí đầu vào tăng, buộc chủ đầu tư dự án phải tăng giá bán, vô hình trung đẩy giá thị trường tăng, thiết lập một mặt bằng giá mới. Nhưng cũng không loại trừ khả năng người bán cần tiền gấp nên cần thoát hàng nhanh. Do vậy, với những sản phẩm được rao bán cắt lỗ thì nhà đầu tư cần cân nhắc và kiểm chứng kỹ thông tin trước khi xuống tiền”, ông Phi khuyến cáo.

Giá bất động sản “miễn nhiễm” với dịch

Theo nhận định của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, tại các dự án đang chào bán tuy không giảm giá trực tiếp, nhưng đã tăng chiết khấu, quà tặng, hỗ trợ lãi suất ngân hàng.

Nhưng đây chỉ là những hỗ trợ tức thời, bởi tình hình quỹ đất và nguồn cung dự án mới tại TP.HCM vẫn khan hiếm, do đó, sau khi dịch lắng xuống, bất động sản sẽ là một trong những ngành đầu tiên có thể phục hồi nhanh.

Dự báo thị trường đến cuối năm nay, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cơ hội và thách thức luôn đan xen. Ông Chiến đánh giá tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường. Bản thân các doanh nghiệp cũng đang thích ứng dần với tình hình dịch bệnh và đã có những định hướng, tính toán cụ thể khi môi trường thay đổi.

Bên cạnh đó, nguồn cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là tại các thành phố lớn vẫn rất cao. Theo ông Chiến, phân khúc chung cư trung cấp, thậm chí là cao cấp sẽ chiếm ưu thế và được quan tâm. “Tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở”, ông Chiến nhận xét.

Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường, ông Cao Hữu Phi nhấn mạnh, bất động sản vẫn là kênh mà nhiều nhà đầu tư ưa thích. Khi mua bất động sản thì chủ sở hữu có thể dễ dàng dùng thế chấp để lấy tiền phục vụ nhu cầu đầu tư khác, hoặc sử dụng để kinh doanh sinh lời. Vì vậy, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vẫn lựa chọn đây là kênh đầu tư an toàn.

Các chuyên gia, doanh nghiệp một lần nữa khẳng định, giá đất nền, căn hộ không có chuyện giảm, mà vẫn tăng đều, nhưng sẽ không gây sốt như hồi đầu năm. Giá bất động sản “miễn nhiễm” với dịch, do đó, người mua cảnh giác đừng để bị “dụ dỗ” bởi chiêu bán cắt lỗ.

Tin bài liên quan