Mảnh đất màu mỡ
Vụ việc trên không phải lần đầu tiên được phát hiện. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ, trong đó nổi bật tại Hà Nội là vụ bán đất khống của CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 tại dự án Thanh Hà (Hà Nội) do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Rồi tháng 3 vừa qua, dư luận xôn xao vì dự án tại ngách 218/16 Trần Duy Hưng - được cho là nơi xây dựng "Chung cư mini Petromanning", được nhiều sàn giao dịch BĐS rao bán, với khoảng 2 tỷ đồng/căn hộ. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai. Đặc biệt hơn, đơn vị được cho là chủ đầu tư dự án này thông tin rằng, dự án mới đang chuẩn bị khởi công vàkhông xây dựng chung cư mini…
Liên quan đến hoạt động thiếu minh bạch của sàn giao dịch BĐS, khoảng giữa tháng 2 vừa qua, Bộ Xây dựng công bố 36 sàn giao dịch tại Hà Nội và TP. HCM bị xử phạt hành chính từ 60 đến 250 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Do BĐS là thị trường đầu tư hấp dẫn, nên những năm qua, sàn giao dịch, văn phòng, trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 600 sàn giao dịch BĐS (chưa kể các văn phòng, trung tâm môi giới) tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, Bình Dương, Đà Nẵng… Nhiều sàn giao dịch BĐS đang hoạt động thiếu chuyên nghiệp, chỉ mang tính hình thức, thậm chí trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư.
Tạo dựng một thị trường minh bạch
Về lý thuyết, khi qua sàn BĐS, các nhà đầu tư có thể tham khảo, tìm hiểu, từ đó tiến hành giao dịch. Mọi giao dịch phải được diễn ra công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Từ đó giúp các nhà đầu tư, người dân đảm bảo độ an toàn khi tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, Bộ Xây dựng cho biết, phần lớn các sàn giao dịch BĐS còn hoạt động thiếu chuyên nghiệp, trở thành công cụ hợp thức hóa vi phạm cho các chủ đầu tư. Số sàn thực sự tốt chỉ chiếm khoảng 15%, sàn vi phạm ít chiếm trên 50%, còn lại là các sàn có vi phạm lớn.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS không minh bạch, thông tin dự án lòng vòng dẫn đến các nhà môi giới, chủ đầu tư đua nhau "bắt chẹt" khách hàng. Thủ tục đất đai "một cửa" nhưng "nhiều ngách" càng khiến thị trường thêm tiêu cực. Thực tế, khách mua luôn bị động trong việc nắm bắt thông tin dự án và hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật dẫn đến hiện tượng mua bán "bầy đàn" trên thị trường BĐS. Minh chứng cho điều này rõ nhất, gần nhất là hiện tượng "sốt" đất ở Sóc Sơn và Đông Anh, chiêu "thổi giá" vừa qua của giới đầu tư vẫn có tác dụng.
Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định 71, Thông tư 16 có quy định việc ứng tiền trước khi mua BĐS. Trong đó, người bán được huy động vốn, góp vốn dưới hình thức đặt cọc, vay vốn và ký quỹ. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc, vay vốn luôn thể hiện cam kết một phía có lợi cho người bán. Trong khi thực tế, người mua luôn phải góp vốn bằng "tiền tươi thóc thật", nhưng lại thiếu các điều khoản bảo vệ mình. Vì vậy, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS đang rất cần những công ty làm nhiệm vụ môi giới một cách nghiêm túc, trọn gói, từ giới thiệu địa điểm, giá cả... Bên cạnh đó, cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, từng bước hoàn thiện cơ chế pháp lý, giúp thị trường hoạt động bài bản, chuyên nghiệp chính là cách tránh rủi ro. Đồng thời, 5 giải pháp mà Bộ Xây dựng mới đưa ra về kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư, đổi mới các phương thức phát triển nhà ở, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm, xử lý kịp thời các vi phạm là góp phần hạn chế rủi ro trên thị trường BĐS.
Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nhiều chủ đầu tư đã lách luật gây thiệt thòi cho người mua. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch đã móc ngoặc với người bán để kiếm lời. Vì thế, việc kiểm tra, giám sát các thông tin về BĐS, hay việc "siết" lại hoạt động của các sàn giao dịch BĐS cần tiến hành thường xuyên, đảm bảo "phân vai" rõ ràng giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch. |