Các hành vi, thủ đoạn lừa đảo bảo hiểm ngày càng phức tạp, tinh vi

Các hành vi, thủ đoạn lừa đảo bảo hiểm ngày càng phức tạp, tinh vi

Cảnh giác hình thức lừa đảo bảo hiểm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây, có một số đối tượng giả mạo giấy tờ bảo lãnh của một số công ty bảo hiểm để mời gọi đầu tư tài chính nhằm mục đích lừa đảo.

Dùng giấy bảo lãnh đầu tư giả để lừa đảo

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều nạn nhân phản ánh bị một số đối tượng mời gọi tham gia vào đội nhóm đầu tư chứng khoán trên zalo rồi lừa nạp tiền vào tài khoản do đối tượng lập nên để chiếm đoạt.

Nhằm tăng sức thuyết phục, những đối tượng này chiêu dụ rằng người chơi sẽ được bên công ty bảo hiểm phi nhân thọ như như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm PVI… cung cấp gói bảo hiểm bảo lãnh – trường hợp đặt lệnh lỗi sẽ được hoàn tiền 100%, đồng thời cam kết mức lợi nhuận rất cao sau một khoảng thời gian nhất định.

Người chơi thấy hời vì ban đầu chỉ phải bỏ ra một số tiền không quá lớn và được bảo lãnh rủi ro, tức là nếu đầu tư bất thành vẫn được công ty bảo hiểm hoàn trả tối thiểu số tiền đã đóng, trong khi lợi nhuận cam kết lớn hơn rất nhiều khoản tiền đầu tư ban đầu nên tham gia.

Nạn nhân Nguyễn Thị Nga (ngụ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) kể, chị nhận được cuộc gọi từ đối tượng tên Phạm Tuấn (có gửi cả căn cước công dân kèm theo hình ảnh cá nhân, số điện thoại, tự giới thiệu là chuyên gia cấp cao của Công ty Chứng khoán Nhà nước HOSE!?) mời gọi đầu tư chứng khoán trong một “nhóm kín” trên zalo.

Đối tượng đã gửi hợp đồng hợp tác đầu tư, giấy chứng nhận bảo hiểm tài chính đầu tư cá nhân giả mạo cho gói đầu tư giá trị 300 triệu đồng, lợi nhuận cam kết 9,9 tỷ đồng, được bảo hiểm vốn bởi Bảo hiểm Quân đội - MIC là 9,9 tỷ đồng, thời hạn hiệu lực từ 21/9/2023-23/9/2023. Giấy chứng nhận giả mạo này còn cắt ghép logo của MIC, có kèm cả logo của MBBank (ngân hàng mẹ của MIC). Cuối giấy chứng nhận có chữ ký kèm đóng dấu của ông Nguyễn Quang Hiện - Tổng giám đốc MIC.

Tuy nhiên, sau khi nạp số tiền 300 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng thì bị chặn liên lạc và lúc này, chị mới biết mình bị lừa và gửi đơn thư cầu cứu nhiều nơi.

Những hình ảnh được đưa ra để cam kết bảo hiểm trong đầu tư
Những hình ảnh được đưa ra để cam kết bảo hiểm trong đầu tư

Chia sẻ xung quanh câu chuyện này, ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM cho biết, thời gian gần đây, Công ty liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ của nhiều nạn nhân rơi vào trường hợp kể trên. Đối tượng lừa đảo đã lợi dụng uy tín của một số công ty bảo hiểm, ngân hàng nhằm tạo dựng lòng tin, ngụy tạo quyền lợi bảo hiểm để mời gọi người tham gia đầu tư tài chính nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng chặn liên lạc (nếu số tiền lớn và đối tượng kia xác định không lừa thêm được nữa), hoặc lấy lý do tài khoản rút tiền bị lỗi, nếu muốn lấy lại số tiền đó thì phải nạp thêm theo nội dung đối tượng lừa đảo hướng dẫn (với trường hợp là bên lừa đảo thấy có thể lừa thêm được và số tiền nạp lần đầu không nhiều). Số tiền lừa đảo có thể từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Trên thực tế, việc giả mạo tên tuổi, giấy tờ… của các tổ chức tài chính là các công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, ngân hàng, cơ quan nhà nước… nhằm mục đích lừa đảo không phải chuyện hiếm.

Cảnh báo người dùng nhận biết để phòng tránh, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông từng chỉ ra nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam, trong đó nổi cộm là giả mạo thương hiệu của các tổ chức tài chính lớn, có uy tín để lừa nạn nhân tham gia đầu tư tài chính.

Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả mạo tổ chức tài chính gửi tin nhắn có gắn kèm đường link mời gọi đầu tư, hoặc điện thoại trực tiếp mời gọi, tư vấn đầu tư, số điện thoại được sử dụng bao gồm cả đầu số từ nước ngoài (+ 0099…, +00878...) lẫn trong nước; cam kết bảo lãnh rủi ro đầu tư, hưởng lãi suất, lợi nhuận đầu tư rất cao…

Cần chủ động phòng tránh lừa đảo

Khi tham gia đầu tư tài chính, nhà đầu tư cần chủ động trang bị các kiến thức về lĩnh vực này, đặc biệt cảnh giác trước các lời mời gọi đầu tư hưởng lãi suất, lợi nhuận cao…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các công ty bảo hiểm cho biết, dưới sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các hành vi, thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp và tinh vi.

Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã liên lạc với MIC thì được biết, các thông tin kể trên đều là giả mạo nhằm mục đích lừa đảo, giấy chứng nhận bảo hiểm tài chính tự tạo chứa các nội dung không chính xác, chẳng hạn người đứng tên Tổng giám đốc trong giấy chứng nhận đã không còn là CEO của MIC từ nhiều năm nay, logo sử dụng cũng là logo cũ; Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), MIC và MBBank đều không cấp loại hình bảo hiểm tài chính này, cũng không có công ty chứng khoán nào trên thị trường tên là Công ty Chứng khoán Nhà nước HOSE… Ngoài ra, số điện thoại của đối tượng lừa đảo không có thực, không liên lạc được.

“Chúng tôi sẽ rà soát thêm và bộ phận pháp chế của Công ty sẽ làm việc với các bên hữu quan khi cần để tránh ảnh hưởng đến uy tín Công ty”, đại diện MIC nói.

Còn đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho hay, ở giấy chứng nhận đầu tư có cắt ghép logo, hình ảnh của công ty bảo hiểm này người đứng tên Tổng giám đốc cũng là một cái tên cũ, đã làm ở vị trí này hơn 10 năm trước, rồi có giấy ghi tên ông Phạm Ngọc Sơn là CEO, trong khi ông đang là Tổng giám đốc của Bảo Việt Nhân thọ (một công ty khác của Tập đoàn Bảo Việt hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ).

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, đảm bảo an toàn tài sản, bảo mật thông tin, Bảo hiểm Bảo Việt khuyến nghị khách hàng cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản và các chứng từ cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào. Chủ động tham khảo thông tin từ các nguồn chính thống của Công ty như hotline chăm sóc khách hàng, webiste, Fanpage Facebook có tích xanh, Zalo OA có tích xác thực tài khoản của Bảo Hiểm Bảo Việt…

Khi rơi vào cảnh tương tự kể trên, các công ty bảo hiểm cũng khuyến cáo khách hàng liên hệ nhân viên của công ty bảo hiểm hoặc đến địa chỉ yêu cầu nhận tiền bảo hiểm để xác minh, phối hợp xử lý. Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm, cần nhanh chóng thông báo tới cơ quan công an tại địa phương để kịp thời xác minh, phối hợp điều tra...

Chia sẻ biện pháp phòng ngừa, ông Đỗ Thế Vinh cho biết, có một số đặc điểm dễ nhận biết là các đối tượng lừa đảo thường mời gọi đầu tư với cam kết bảo lãnh đầu tư từ các tổ chức tài chính uy tín, cam kết hưởng lãi suất, lợi nhuận cực cao; từ làm giả khá sơ sài, thông tin sai lệch về số đơn, địa chỉ công ty, người đại diện công ty...

Theo ông Vinh, khi tham gia đầu tư tài chính, nhà đầu tư cần chủ động trang bị các kiến thức về lĩnh vực này, đặc biệt cảnh giác trước các lời mời gọi đầu tư hưởng lãi suất, lợi nhuận cao… Nếu thấy nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào, liên hệ về hotline của các công ty bảo hiểm, công chứng khoán... để tìm hiểu các thông tin chính thống hoặc thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Tin bài liên quan