Chiếm đoạt Facebook để lừa 450 triệu đồng
Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xem xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Quang Hiệp (SN 1999, ở Quảng Trị) về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Hiệp bị xử phạt 3 năm tù về tội danh trên.
Theo bản án sơ thẩm, do cần tiền tiêu xài cá nhân, Hiệp lên mạng internet để tìm hiểu cách thức hack tài khoản Facebook. Khoảng tháng 1/2019, Hiệp đã dò tìm thông tin để đăng nhập vào Facebook “Thu Lieu Pham”. Sau khi xem thông tin, Hiệp biết người này đang sinh sống ở Đức rồi đổi tên đăng nhập và mật khẩu.
Hiệp tiếp tục tìm hiểu để tự tạo trang website nhantienquoctetructuyen với mục đích nhằm tạo đường link cho những người khác tin tưởng đây là trang web chuyển tiền thật. Khi bị hại điền các thông tin về tài khoản ngân hàng thì sẽ hiện thị trên trang web. Bị cáo chuẩn bị sẵn các sim rác đồng thời mua 2 tài khoản ngân hàng trên mạng facebook với giá 2,4 triệu đồng.
Khoảng đầu tháng 4/2019, Hiệp truy cập vào Facebook “Thu Lieu Pham” vờ đặt mua một đơn hàng của tài khoản Hằng Túi do chị Hoàng Hồng Đ. quản lý (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với trị giá 6,3 triệu đồng. Hiệp nhắn tin nói đang ở nước ngoài nên sẽ chuyển khoản tiền thanh toán. Để bị hại tin tưởng, Hiệp nhắn tin cho người này gửi đơn hàng đến một địa chỉ ở Hà Nội.
Khi đến khâu thanh toán, Hiệp nhắn tin yêu cầu chị Đ. cung cấp số điện thoại và tài khoản ngân hàng có đăng ký dịch vụ Internet Banking. Chị Đ. cung cấp 2 tài khoản mở tại Ngân hàng B và Ngân hàng T.
Bị cáo sử dụng sim rác, giả mạo tin nhắn của ngân hàng gửi đến số điện thoại của chị Đ. với nội dung “Tài khoản… nhận được số tiền 6,3 triệu đồng từ dịch vụ chuyển tiền quốc tế” và tin nhắn “Quý khách vui lòng hoàn tất thủ tục để tiền tự động cập nhập vào tài khoản tại nhantienquocte-tructuyen.weebly.com”.
Tin tưởng nên chị Đ. nhập thông tin tài khoản mở tại Ngân hàng T. vào đường link trên gồm tên đăng nhập, mật khẩu,mã OTP. Toàn bộ thông tin này đều hiển thị trên trang web mà Hiệp đã tạo ra. Ngay lập tức, bị cáo lấy thông tin trên để truy câp vào tài khoản của chị Đ., chuyển số tiền 150 triệu đồng sang tài khoản của mình.
Phát hiện bị trừ tiền trong tài khoản, chị Đ. nhắn tin thắc mắc thì Hiệp nói hệ thống đang bị lỗi, hẹn chờ 30 phút sau tiền sẽ tự động hoàn trả lại. Hiệp cũng nhắn đang có việc gấp và sẽ chuyển lại tiền vào tài khoản Ngân hàng B của chị Đ.
Với cách thức như trên, Hiệp tiếp tục truy cập vào tài khoản BIDV của chị Đ. và phát hiện có số dư 300 triệu đồng. Bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này về tài khoản cá nhân.
Với số tiền chiếm đoạt, Hiệp đã nạp tiền chơi game. Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm chấp nhận giảm án cho bị cáo còn 2 năm tù.
Cảnh giác với chiêu lừa tinh vi
Mới đây, Bộ Công an đã cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo tổng hợp tổng hợp của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số vụ việc đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Ví dụ như với tội phạm công nghệ cao, toàn bộ thông tin, tài khoản trên mạng xã hội, số điện thoại mà các đối tượng sử dụng đều là “ảo”, có trường hợp dù đã hack được tài khoản nhưng đối tượng vẫn dùng song song với chính chủ nhân để chiếm đoạt thông tin. Tài khoản nhận tiền ở các ngân hàng cũng không phải chính chủ. Do đó, khi điều tra, cơ quan công an rất khó lần ra dấu vết đối tượng.
Một số thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là: giả mạo Cơ quan điều tra, người thân thông báo nội dung liên quan và yêu cầu người dân chuyển tiền; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP; sử dụng website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng nhằm đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi đăng nhập website của ngân hàng.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần thiết lập đầy đủ các tính năng bảo mật, không cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu cho người khác, không đăng nhập vào các ứng dụng, đường link không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp mật khẩu, tài khoản.
Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.