“Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”

“Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều doanh nhân, năm Tân Sửu trôi qua thật đặc biệt và dù khó khăn chồng chất, họ vẫn giữ được sự lạc quan, thậm chí dịch bệnh còn giúp họ làm được nhiều việc mà những giai đoạn bình thường bận bịu không có đủ thời gian để ý.

1. Trong hơn 4 tiếng đồng hồ của một chiều cuối năm trò chuyện với doanh nhân Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ Nghệ Lạnh (Searefico), ông nhiều lần tâm sự rằng, đúng là khó khăn, nghịch cảnh năm qua thì ai cũng hiểu, nhưng “khi cánh cửa này khép lại thì luôn có những cánh cửa khác mở ra” và với các doanh nhân như ông, cái được trong giai đoạn dịch bệnh là có một khoản thời gian lắng lại để chiêm nghiệm, để tính toán con đường phù hợp cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phước nói rằng, trong năm qua, Searefico vẫn không tránh khỏi những khó khăn do dịch Covid-19 khi hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu là cung cấp các dịch vụ từ tư vấn, thiết kế, xây dựng, thi công, lắp đặt đến bảo trì bảo dưỡng những sản phẩm M&E, lạnh công nghiệp...Những hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ xây dựng của các công trình, nhưng trong năm qua, hàng loạt công trình xây dựng bị hoãn, thậm chí ngừng thi công do lệnh giãn cách.

Đại dịch xảy đến trong 2 năm qua đã làm thay đổi mọi thứ, đặt mọi doanh nghiệp trước một ngã ba đường: Thay đổi để tiến lên, bứt phá tạo khoảng cách với đối thủ cạnh tranh, hay trở về vị trí đằng sau vạch xuất phát. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp xem đây là cơ hội để tái tạo và phát triển tổ chức theo hướng tích cực trong tâm thế sẵn sàng thay đổi, họ chủ động thực hiện những can thiệp có chủ đích với lộ trình và mục tiêu cụ thể để tạo ra một phiên bản mới. Nhưng cũng có những doanh nghiệp yếu thế hơn, họ chủ động tìm cách “đối phó”, chỉ cốt sao giảm thiểu thiệt hại để tồn tại chờ cho hết dịch hơn là nhận ra một cơ hội trăm năm có một.

Trong những ngày TP.HCM giãn cách tăng cường vào giữa tháng 9/2021, ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SeaHoldings liên tục nhắn hỏi người viết về tình hình chống dịch của Thành phố, có khi chỉ vài ba câu hỏi thăm, “than thở” về những điều mà doanh nghiệp ông gặp phải.

Giãn cách xã hội kéo dài, các hoạt động mở bán bất động sản không thể diễn ra theo đúng như cách thông thường. Covid đã giúp chợ địa ốc online dần nhộn nhịp hơn. Nhưng như ông Phương thừa nhận, với một mặt hàng kinh doanh đặc thù có giá trị lớn như bất động sản, đây là một hình thức bán hàng “bất đắc dĩ” không mang lại hiệu quả cao, khiến việc thu hồi vốn cũng vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn.

Ông cũng khoe rằng, dù có ảnh hưởng, song dịch bệnh lại là cơ hội để doanh nghiệp làm được nhiều việc mà bình thường chưa làm được, chẳng hạn như số hóa quy trình làm việc, đào tạo lại nhân sự. Chỉ trong vài tháng của đợt dịch đầu, việc tái cấu trúc của doanh nghiệp có hiệu quả bằng nỗ lực một thời gian dài trước đó.

“Đây là giai đoạn chúng tôi đẩy mạnh việc tái cấu trúc, rà soát, cơ cấu lại bộ máy tổ chức đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn. Đối với bộ phận được bố trí làm việc online, Tập đoàn tạo điều kiện tốt về công nghệ thông tin để công việc được hiệu quả, đảm bảo tiến độ”, ông Phương nói và tin rằng, Covid-19 chỉ là khó khăn ngắn hạn, thậm chí đây là còn là giai đoạn để các doanh nghiệp lên kế hoạch đường dài. SeaHoldings luôn xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thành nhiều giai đoạn.

2. “Chúng ta chưa bao giờ gặp những tình huống 100 năm có một như thế này, tất nhiên nó sẽ là cơ hội cho những ai sống được, vượt lên và khi đó khoảng cách giữa mình và đối thủ cạnh tranh sẽ lớn hơn với điều kiện mình phải dũng cảm thay đổi”, ông Lê Tấn Phước nói và bày tỏ, những gì doanh nghiệp phải nếm trải trong 2 năm qua đã cho thấy có những điểm mạnh trong quá khứ nay trở thành điểm yếu của Searefico.

Trước đây, tỷ trọng dịch vụ của Searefico chiếm đến 70% trên tổng doanh thu, bao gồm các hoạt động thầu, xây lắp, cơ điện, lạnh công nghiệp, nhưng trong năm qua, để không quá phụ thuộc vào tiến độ xây dựng của các công trình, Searefico đã nâng tỷ trọng sản xuất lên 50% trên tổng doanh thu sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Đặc biệt, Searefico đang mở rộng sang mảng bất động sản, nhưng không phải làm nhà ở thương mại mà nhắm đến bất động sản khu công nghiệp. Khi là chủ đầu tư của khu công nghiệp, Searefico sẽ có nhiều cơ hội phát huy lợi thế thi công các dự án nhà máy, nhà xưởng theo hình thức EPC của khách hàng và hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động cốt lõi của Công ty trong lĩnh vực E&C và phát triển hoạt động đầu tư điện năng lượng mặt trời.

Một doanh nghiệp khác là Trần Anh Group - chuyên phát triển các sản phẩm nhà phố và khu công nghiệp cũng cho rằng, dịch bệnh cũng mang đến cho doanh nghiệp này nhiều cơ hội, nhất là vào giai đoạn cuối năm.

Ông Hà Văn Thiện, Tổng giám đốc Trần Anh Group nói rằng: “Năm qua quả là một năm đáng nhớ cho tất cả mọi người. Đối với Trần Anh Group, kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm không đạt được, nhưng cũng rất may, hoạt động kinh doanh của chúng tôi có thể nói là rất ổn”.

“Trong cái rủi có cái may” - câu này rất đúng với Trần Anh Group khi trong năm qua, doanh nghiệp này đã mất hoàn toàn 1 quý không hoạt động vì dịch. Thế nhưng, sau ngày giãn cách, sản phẩm bất động sản của Trần Anh Group lại trở thành dòng sản phẩm được ưa chuộng.

“Đa phần nhà phố và biệt thự của Trần Anh Group được xây dựng sẵn và quy hoạch đồng bộ từ hệ thống đường, điện đến không gian nhà ở, đặc biệt là không gian xanh. Chính vì thế, nhu cầu được sống ở những nơi trong lành, ở ngay mà không cần chờ đợi của Trần Anh đã trở thành tâm điểm được đón nhận. Do đó, sau dịch, chúng tôi ghi nhận sức mua tại các sản phẩm khá mạnh mẽ”, ông Thiện cười và nói rằng, đúng là trong khó khăn vẫn có lý do để nói lời cảm tạ.

3. Năm Nhâm Dần rồi sẽ ra sao vẫn là điều khó đoán định, nhưng với hầu hết các doanh nghiệp mà người phóng viên có dịp trao đổi qua, họ vẫn đang trong tâm thế sẵn sàng và luôn nỗ lực hết sức để tiến về phía trước, tìm mọi giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng tốc trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh của mình.

Như cách mà bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc vẫn luôn động viên mình là “cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra”, bởi về nguyên tắc, mỗi doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị tinh thần ứng phó nhanh.

Năm 2022, Chính phủ quyết tâm thúc đẩy các mục tiêu kinh tế - xã hội nhiều tham vọng, chẳng hạn như tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến 6 - 6,5% để bù lại giai đoạn tăng trưởng chậm do tác động của dịch bệnh. Các gói hỗ trợ kinh tế sẽ góp phần gia tăng nguồn lực phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn.

“Đây cũng là nền tảng quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng”, bà Hương nói và cho biết, dịch bệnh chỉ là yếu tố khách quan làm xáo trộn nghiêm trọng các hoạt động đầu tư kinh doanh. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại nguồn lực của mình, gia tăng khả năng thích nghi và mở ra các cơ hội thay đổi nhanh chóng, quyết liệt hơn trong thời kỳ sống chung an toàn với dịch bệnh.

“Chúng ta hãy luôn trong tâm thế bình tĩnh và thận trọng, nhưng không an phận để nắm bắt mọi cơ hội phát triển và vượt qua nghịch cảnh”, CEO Đại Phúc Land trò chuyện như tự nhủ với chính mìnhn

Tin bài liên quan