Dịch Covid-19 kéo dài - Lừa đảo gia tăng
Các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đều đang gấp rút thúc đẩy số hóa nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng thực hiện giao dịch từ xa mà không cần phải đến ngân hàng trực tiếp, tránh tiếp xúc giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc các hoạt động giao dịch tài chính có thể thực hiện từ xa cũng tạo cơ hội cho những đối tượng lừa đảo thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Con số này tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ án/năm.
Tuy nhiên, trước những tác động của dịch Covid-19 cùng những khó khăn về kinh tế-xã hội, chỉ từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy tình hình phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Giao diện của một ứng dụng di động cho vay trực tuyến giả mạo được những kẻ lừa đảo sử dụng. |
Điểm chung của những hình thức lừa đảo cho vay online là mức lãi suất rất thấp so với mức lãi suất chính thức trên thị trường, thủ tục nhanh - gọn - lẹ, không quan tâm nhiều tới hồ sơ người đi vay, lịch sử tín dụng cũng như thu nhập. Đây là những tiêu chí quan trọng mà các ngân hàng luôn xem xét rất kĩ trước khi quyết định cho vay.
Ông Fred Lim, Giám đốc Cấp cao, Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, trong khi tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số đối với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, UOB tiếp tục duy trì văn hóa rủi ro mạnh mẽ và nỗ lực tuân thủ để hỗ trợ khách hàng cho các nhu cầu tài chính của họ. Ngân hàng đưa ra những cảnh báo đến với khách hàng và cộng đồng giúp mọi người cẩn trọng để có thể thực hiện giao dịch ngân hàng trực tuyến một cách an toàn.
Chủ động bảo vệ bản thân từ những lưu ý nhỏ nhất
Trước tình trạng lừa đảo qua hình thức cho vay online diễn ra ngày càng tinh vi, đối tượng có thể mạo danh ngân hàng/tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt tiền từ khách hàng diễn ra ngày càng mạnh mẽ, với mong muốn giúp khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên, VPBank vừa gửi email cảnh báo cho khách hàng về những chiêu thức lừa đảo phổ biến hiện nay, trong đó cập nhật một số thủ đoạn mới.
Tương tự SHB cũng gửi tới khách hàng thông tin về các thủ đoạn mới mà tội phạm đang sử dụng, cùng một số khuyến cáo giúp ý khách hàng phòng tránh và bảo vệ tài sản.
“Đối tượng có thể sử dụng hình ảnh lãnh đạo cấp cao của SHB hoặc tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Tài chính, tiếp cận, mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng (cam kết hỗ trợ ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản (không qua thẩm định), giải ngân trong vòng 1 giờ, hạn mức cho vay lớn lên đến 200 triệu đồng, lãi suất thấp…)”, thông báo của SHB cho biết.
Tương tự như khuyến cáo trên, UOB thông tin thêm, đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online hoặc mời khách hàng vào các nhóm chat online để đăng ký hồ sơ khoản vay. Tiếp đó, khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay với chữ ký, con dấu giả mạo Ngân hàng UOB Việt Nam.
Cuối cùng, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng nộp tiền để xử lý khoản vay (như phí chứng minh tài chính, phí hỗ trợ giải ngân…) tính theo phần trăm giá trị khoản vay. Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đối tượng lừa đảo thậm chí còn có thể sử dụng con dấu giả trên các thông báo yêu cầu khách hàng nộp tiền.
Sau khi nộp tiền/chuyển khoản xong, khách hàng sẽ được thông báo chờ một thời gian trước khi giải ngân. Nhưng thực tế, khách hàng sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân và mất toàn bộ số tiền đã nộp/chuyển khoản theo yêu cầu.
Để phòng tránh các thủ đoạn tinh vi nói trên, Ngân hàng UOB Việt Nam khuyến cáo khách hàng: Tuyệt đối không thực hiện nộp tiền/chuyển khoản để làm thủ tục vay tiền theo yêu cầu của bất cứ ai cũng như không truy cập các đường link, website lạ và cung cấp thông tin cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.
UOB nhấn mạnh: "Ngân hàng UOB Việt Nam cung cấp các dịch vụ cho vay tuân thủ theo đúng các quy trình và quy định của pháp luật. Ngân hàng UOB Việt Nam sẽ không yêu cầu khách hàng thanh toán bất kỳ khoản phí nào trước khi xử lý khoản vay như phí chứng minh tài chính, phí hỗ trợ giải ngân".