Cảnh báo từ việc tăng nhập khẩu máy móc, thiết bị giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giá rẻ, công nghệ lạc hậu sẽ khiến sản phẩm của Việt Nam khó cạnh tranh, kể cả trên “sân khách” lẫn “sân nhà”.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2010 - 2020, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của nước ta tăng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân tăng khoảng 10,6%/năm.

Trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này đạt 27,1 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước (35,8%). Nếu mức nhập khẩu bình quân 1 tháng trong 5 tháng cuối của năm 2021 bằng với mức của 7 tháng đầu năm, thì tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong cả năm 2021 sẽ ở mức 46,584 tỷ USD, tăng 25,1% so với năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng lên là cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, xung quanh việc tăng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này, có 2 vấn đề đặt ra, đó là sản xuất trong nước và lựa chọn thị trường nhập khẩu.

Về sản xuất trong nước, nguyên liệu chính để sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là sắt thép, tuy đã được điều chỉnh cơ cấu, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2021, khối lượng sắt thép thô là 15,081 triệu tấn; thép thanh, thép góc đạt 5,768 triệu tấn, chỉ chiếm trên 1/4, còn gần 3/4 là sắt thép phục vụ xây dựng. Trong nguồn nguyên liệu sản xuất thép này, phần lớn là nhập khẩu. Công nghiệp phụ trợ cho sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng còn yếu. Đây là một trong những vấn đề trong cơ cấu sản xuất, cơ cấu nhập khẩu cần lưu ý.

Về thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, cũng có một số vấn đề cần quan tâm.

Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ 38 thị trường chính, trong đó có 17 thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD. Đặc biệt, có 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, lớn nhất là Trung Quốc (14,45 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của cả nước), tiếp đến là Hàn Quốc (3,84 tỷ USD), Nhật Bản (2,55 tỷ USD). Chỉ 3 thị trường này đã đạt 20,84 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của cả nước.

Nếu 5 tháng cuối năm 2021, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc bình quân bằng mức của 7 tháng đầu năm, thì dự báo cả năm, nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ lên đến 24,77 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2020, lớn gấp 5,6 lần mức kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc năm 2010.

Điều đáng nói là, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Trung Quốc hầu hết không có kỹ thuật - công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn, thậm chí không ít trong số đó còn là kỹ thuật - công nghệ mà Trung Quốc thải loại ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì thuộc diện thải loại, nên giá cả của các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng này có giá rẻ. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam ham rẻ và nhập khẩu những mặt hàng này, thì sản phẩm sản xuất ra sẽ khó có sức cạnh tranh, dẫn tới dễ dàng bị thua trên “sân khách” khi xuất khẩu, thậm chí thua trên “sân nhà” trước các sản phẩm nhập ngoại.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra từ hơn 2 năm trước, đến nay vẫn chưa có hồi kết và còn bất định về thời gian, quy mô, phạm vi. Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng sang Việt Nam là xu hướng dễ đoán.

Cùng với xu hướng này, là sự gia tăng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sang Việt Nam. Minh chứng là, trong 7 tháng đầu năm 2021, lượng vốn đăng ký của các dự án từ Trung Quốc được cấp mới tại Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam (nếu tính cả các hình thức khác như điều chỉnh vốn, mua cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam, thì Trung Quốc đứng thứ 5).

Theo đó, các cảnh báo về “bãi thải công nghệ”, “tiêu thụ giùm”, “xuất khẩu hộ” được đặt ra lâu nay vẫn đang là vấn đề thời sự, không chỉ đối với các doanh nghiệp, mà còn với các cơ quan quản lý nhà nước để có giải pháp giám sát cần thiết.

Tin bài liên quan