Nỗi lo giảm “quá mức” thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội, lần đầu tiên được “điểm mặt, chỉ tên” một cách rõ ràng.
Lo sức mua “lao dốc”
Vẫn có 5 khó khăn, thách thức lớn với nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2020 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2020, diễn ra hôm qua (2/6) tại Hà Nội. Nhưng “danh sách” những khó khăn, thách thức này đã tương đối khác so với những khó khăn, thách thức được báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2020.
Ngoại trừ điểm giống nhau là nỗi lo suy giảm tăng trưởng do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, thì hiện tại, nỗi lo nghiêng về sự thay đổi về trật tự, vai trò, vị trí của các quốc gia trong quan hệ đối ngoại và thay đổi khoảng cách phát triển giữa các nước sẽ ảnh hưởng đến dòng thương mại và đầu tư tới Việt Nam; lo xu hướng gia tăng mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ khiến những doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lo ngại xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực để thu hút nhà đầu tư chuyển dịch khỏi Trung Quốc. Và quan trọng không kém là lo nguy cơ tiềm ẩn phản ứng “quá mức” của thị trường với các thông tin xấu (về Covid-19) dẫn đến việc giảm “quá mức” thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội.
Nếu 4 thách thức trên đã ít nhiều từng được nhắc tới, thì nỗi lo giảm “quá mức” thói quen mua sắm, tiêu dùng của xã hội, lần đầu tiên được “điểm mặt, chỉ tên” một cách rõ ràng, dù đây đó, vẫn có những ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách về chuyện tổng cầu suy giảm.
Không quá khó để lý giải vì sao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định đó. Dù trong tháng 5, nền kinh tế đã chuyển từ trạng thái “tĩnh” sang trạng thái “động”, song vẫn chưa đủ sức để khuấy động thị trường.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5/2020 đã khởi sắc, tăng 26,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung, 5 tháng đầu năm, con số này giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì sức mua của nền kinh tế - biểu thị qua chỉ số bán lẻ hàng hóa - thậm chí còn giảm tới 8,6% so với cùng kỳ. Tuy “đỡ” hơn mức giảm 9,6% của 4 tháng đầu năm, nhưng nếu so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm ngoái, thì đây quả là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất đáng chú ý.
“Sức mua quá thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất - kinh doanh và tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đã nói như vậy với Báo Đầu tư và nhấn mạnh rằng, sức mua sụt giảm mạnh như vậy là điều cần được cảnh báo.
Hệ lụy của suy giảm sức mua
Cùng với chỉ số về tổng mức bán lẻ, còn một con số khác cũng được các thành viên Chính phủ lưu tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm. Đó là tốc độ tăng của Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ là 1%, quá thấp so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Nếu “so bó đũa chọn cột cờ”, ở một góc độ nào đó, vẫn có thể nói đến tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp. Bởi tháng 5/2020, IIP tăng 11,2% so với tháng trước. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã thực sự chuyển từ trạng thái “tĩnh” sang trạng thái “động”, đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất.
Con số tăng trưởng 1% của IIP 5 tháng đầu năm chính là hệ lụy của chuyện sức mua suy giảm, bao gồm cả sức mua của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu tình hình còn tiếp tục, sản xuất công nghiệp sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Nhưng con số tăng trưởng 1% của IIP 5 tháng đầu năm chính là hệ lụy của chuyện sức mua suy giảm, bao gồm cả sức mua của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu tình hình còn tiếp tục, sản xuất công nghiệp sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Đáng nói là, đúng vào thời điểm Tổng cục Thống kê công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, thì IHS Markit cũng công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI). Tuy PMI tháng 5/2020 của Việt Nam đã tăng 10 điểm, đạt 42,7 điểm, cao hơn đáng kể so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4, song con số này vẫn cho thấy, “sức khỏe” của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm nhanh.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, dù Việt Nam đã thành công trong việc đưa Covid-19 vào tầm kiểm soát, cho phép nền kinh tế có thể bắt đầu chặng đường hồi phục, nhưng việc PMI vẫn suy giảm vào thời điểm giữa quý II của năm cho thấy, “con đường sẽ còn dài”.
“Quá trình tăng trưởng trở lại có thể sẽ diễn ra từ từ với sự hỗ trợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới”, ông Andrew nói.
Cũng vì sức mua suy giảm, sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên “sức khỏe” của hệ thống doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù bức tranh doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại đã và đang có một số tín hiệu tích cực, có những mảng màu tươi sáng đến từ số lượng doanh nghiệp thành lập mới, từ số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng song song với đó vẫn là sự tiếp tục gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính chung 5 tháng, có 48.621 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Chưa kể, 5 tháng đầu năm, có 26.008 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 36,4% với cùng kỳ năm 2019 và hơn 6.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 48.324 doanh nghiệp, còn số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 21.707.
“Có lẽ, cần tiếp tục theo dõi trong một thời gian nữa, ít nhất đến hết quý II/2020, sau đó có các giải pháp để kích cầu”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 84/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công. Nghị quyết được thực thi sẽ tác động tới cả phía cung và phía cầu, sức mua của nền kinh tế và nhờ thế, kinh tế Việt Nam sẽ từng bước được vực dậy.