Cảnh báo sớm thiếu vốn đầu tư để đảm bảo tăng trưởng GDP

Cảnh báo sớm thiếu vốn đầu tư để đảm bảo tăng trưởng GDP

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 đề ra cao hơn mức thực hiện năm trước. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có xung lực mới về vốn đầu tư, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quy mô vốn đầu tư thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP. Nhìn tổng quát, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1996 - 2010. Việc tăng lên của tỷ lệ này đã đưa đến hai xu hướng: tăng trưởng kinh tế cao hơn, đồng thời lạm phát cao hơn và không ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm tương đối nhanh từ 2011 đến nay. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước mới đạt 36,9% kế hoạch cả năm.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tạo xung lực mới về vốn đầu tư trên hai mặt.

Thứ nhất, tăng tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP ngang bằng với tỷ lệ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm nay (30%). Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và cao hơn tỷ lệ tích lũy/GDP của năm 2013 (26,6%), nhưng được xem là hợp lý, bởi tỷ lệ 28,4% như quý I/2014 được xem là giảm khá đột ngột so với các năm trước và đó có thể là quá liều lượng.

Tỷ lệ đầu tư/GDP nay đã ở mức sát với tỷ lệ tích lũy, thì kinh tế vĩ mô sẽ không còn bị mất cân đối lớn. Hơn nữa, lượng vốn trong dân dưới dạng vàng, ngoại tệ, bất động sản hiện còn rất lớn, gây lãng phí nguồn lực. Để khai thác các nguồn lực đó, cần có nhiều giải pháp.

Một là, phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để dòng vốn của doanh nghiệp và người dân không tìm đến trú ẩn vào vàng, ngoại tệ, bất động sản…, mà yên tâm hơn trong việc đầu tư trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn đầu từ ngân sách nhà nước, từ vốn trái phiếu chính phủ, từ vốn huy động khác - những bộ phận vốn thuộc khu vực nhà nước từng bị giảm tương đối sâu.

Ba là, cần có các giải pháp về tài chính - tiền tệ để một mặt hỗ trợ doanh nghiệp mới, ngăn chặn tình trạng phá sản, thu hẹp sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mở rộng quy mô. Theo đó, cần tiếp tục giảm lãi suất vay mới, cơ cấu lại các khoản vay cũ với lãi suất còn cao để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ hai, chú trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Trong điều kiện mở cửa hội nhập, việc nâng cao hiệu đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thi công, giảm thất thoát, lãng phí, đến chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn, theo hướng giảm tỷ trọng vốn nhà nước, tăng tỷ trọng vốn ngoài nhà nước…        

Tin bài liên quan