Cảnh báo sớm rủi ro: PwC sẽ hợp sức cùng UBCK và HNX

Cảnh báo sớm rủi ro: PwC sẽ hợp sức cùng UBCK và HNX

(ĐTCK) Vừa qua, PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK Hà Nội (HNX), liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Quỳnh Vân (ảnh dưới: thứ ba bên phải), Tổng giám đốc PwC Việt Nam xung quanh thỏa thuận hợp tác trên.

Xin bà cho biết những nội dung chính trong thỏa thuận hợp tác mà PwC ký kết với UBCK và HNX?

Cả hai thỏa thuận hợp tác đều liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro. Trong thỏa thuận với UBCK, PwC Việt Nam sẽ hỗ trợ UBCK trong việc xây dựng Quy chế cảnh báo sớm, nhằm nhận diện rủi ro tiềm tàng của các CTCK thông qua một số dấu hiệu đặc thù. Trên cơ sở đó sẽ đưa ra các quyết sách và biện pháp chấn chỉnh phù hợp, kịp thời, để giảm thiểu mức độ tổn thất có thể xảy ra.

Với HNX thì PwC Việt Nam sẽ thực hiện một cuộc đánh giá về công tác quản trị rủi ro của Sở, tập trung vào đánh giá rủi ro hoạt động trong các lĩnh vực chính như: quản trị DN, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, tài chính, hoạt động thị trường, hệ thống công nghệ thông tin. Dựa trên kết quả của cuộc đánh giá, chúng tôi sẽ đưa ra một số đề xuất cho Ban lãnh đạo HNX nhằm tiếp tục kiện toàn và nâng cao công tác quản trị rủi ro trong hoạt động của Sở.

 

Vì sao PwC quyết định sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho UBCK xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các CTCK? PwC đã ứng dụng hệ thống này tại TTCK nào khác chưa và mức độ thành công là như thế nào?

Trong lĩnh vực quản trị rủi ro thì hệ thống cảnh báo sớm là rất quan trọng, không chỉ đối với UBCK, mà còn đối với tất cả các DN. Không ai muốn rủi ro xảy ra, nhưng trong nền kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn các rủi ro. Vấn đề là làm thế nào có thể nhận diện các dấu hiệu có thể dẫn đến rủi ro, để đưa ra các biện pháp đối phó kịp thời, nhằm giảm thiểu tác động của nó và không ở trong tình thế bị động. Tôi muốn nhấn mạnh là có một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả không có nghĩa sẽ ngăn chặn được các rủi ro, mà là để quản lý nó một cách hiệu quả.

Hệ thống cảnh báo sớm đã và đang được các cơ quan quản lý TTCK nhiều nước áp dụng. PwC đã hỗ trợ nhiều tổ chức xây dựng thành công hệ thống này.

 

Quản trị rủi ro còn kém không chỉ là điểm yếu của riêng khối CTCK, mà với rất nhiều công ty đại chúng tại Việt Nam . Là một trong các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam, PwC có lời khuyên gì với các DN khi DN mong muốn được quản trị rủi ro tốt để phát triển bền vững?

Nhìn chung, quản trị rủi ro ở các công ty Việt Nam còn yếu, do vậy, khi gặp khủng hoảng thì lúng túng và chịu nhiều ảnh hưởng. Nói như vậy không có nghĩa là có hệ thống quản trị rủi ro tốt thì sẽ không bị phá sản. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa qua giai đoạn khó khăn, riêng năm 2012 đã có gần 100.000 DN tại Việt Nam phải đóng cửa.

Nhiều người cho rằng, thành lập Ban quản lý rủi ro là DN có thể được quản trị rủi ro một cách hiệu quả. Thực ra, trách nhiệm quản trị rủi ro không chỉ của riêng Ban quản lý rủi ro, mà là của mọi thành viên trong một tổ chức/DN. Quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ thông tin, cơ cấu kiểm soát là các công cụ hỗ trợ giúp cho việc quản trị rủi ro được hiệu quả hơn. Điều quan trọng hơn cả vẫn là mỗi thành viên trong tổ chức đều phải có nhận thức, ý thức về quản lý rủi ro và luôn tuân thủ các quy định/quy chế về quản trị. Điều tôi muốn nói đến ở đây là yếu tố con người. Các công ty tư vấn như PwC có thể giúp các DN xây dựng mô hình quản trị rủi ro, các quy trình, các hệ thống..., nhưng việc áp dụng trong thực tế quản trị DN lại phụ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng - ở đây là các nhân viên của DN.

 

Kể từ khi Luật Chứng khoán 2006 ra đời, kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) hàng năm là yêu cầu bắt buộc với các công ty đại chúng, nhưng nhiều DN chưa ý thức được tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán. Theo bà, dịch vụ kiểm toán chuẩn mực sẽ mang đến những giá trị gì cho DN? PWC có định ở lại lâu dài với thị trường Việt Nam hay không? Mục tiêu của PWC tại thị trường Việt Nam là gì?

Báo cáo kiểm toán đưa ra ý kiến độc lập của kiểm toán viên về sự trung thực của các BCTC do Ban điều hành của DN soạn lập và giúp cho người sử dụng BCTC như: các cổ đông, ngân hàng, đối tác kinh doanh, các cơ quan chức năng... tin tưởng hơn vào các số liệu được trình bày trong báo cáo đó. Có thể nói rằng, báo cáo kiểm toán phục vụ cho tất cả những người sử dụng BCTC, trong đó DN chỉ là một thực thể. Yêu cầu về kiểm toán không phải bắt nguồn từ DN, mà từ những người sử dụng BCTC.

Ở các nước phát triển, BCTC đã được kiểm toán là một trong những tài liệu quan trọng để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay, mức lãi suất và các NĐT đưa ra quyết định đầu tư. Ở Việt Nam cũng vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài) cũng yêu cầu khách hàng vay vốn phải nộp BCTC đã được kiểm toán khi phê duyệt hồ sơ tín dụng, đặc biệt là các khoản tín dụng lớn.

PwC đã có mặt ở Việt Nam gần 20 năm và sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam . Khi mới thành lập vào năm 1994, chúng tôi có chưa đến 20 nhân viên. Hiện nay, chúng tôi đã có đội ngũ hơn 600 nhân viên, trong đó 90% là người Việt Nam. Mục tiêu của PwC là trở thành đối tác tin cậy của tất cả các khách hàng, thông qua việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và mang lại giá trị gia tăng thực sự.

“Tái cấu trúc TTCK, cần sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán”

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)

 
Trong quá trình tái cấu trúc TTCK, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc nâng cao an toàn tài chính, nâng cao trình độ quản trị rủi ro, quản trị công ty, cũng như các giải pháp cảnh báo sớm…, để có thể ngăn chặn các rủi ro phát sinh, đảm bảo cho TTCK phát triển lành mạnh và an toàn hơn. Để triển khai tốt quá trình này, chúng tôi cần sự hỗ trợ của các công ty kiểm toán.

Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của PwC trong việc ký kết 2 bản ghi nhớ với UBCK và HNX vừa qua. UBCK chuẩn bị ban hành quy trình quản trị rủi ro và dự kiến các chỉ tiêu cảnh báo rủi ro sớm sau khi làm việc với các chuyên gia và sự hỗ trợ của PwC thì có thể ban hành vào tháng 1/2013. Chúng tôi đánh giá cao chương trình phối hợp này và coi đây là một bước tiếp theo trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác với PwC Việt Nam . Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa HNX và PwC trong việc đánh giá rủi ro hoạt động của HNX cũng là một bước quan trọng đầu tiên của HNX để Sở phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, quản trị tốt hơn và khả năng chịu khủng hoảng cao hơn. Chương trình này, chúng tôi cho là một chương trình thí điểm ban đầu quan trọng để có thể mở rộng quản trị rủi ro sang HOSE, VSD, UBCK và các thành viên thị trường.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX)

 
Mục đích của thỏa thuận giữa HNX và PwC là hỗ trợ đánh giá hiện trạng quản lý rủi ro tại HNX, hệ thống hóa các rủi ro trọng yếu, bao gồm rủi ro chiến lược, tài chính, hoạt động, hệ thống, tuân thủ và các biện pháp quản lý, ứng phó với các rủi ro trên.

Quan điểm của HNX là cần phải hệ thống lại các hoạt động quản lý rủi ro hiện tại và phát triển khung quản trị rủi ro toàn diện, nhằm đảm bảo Sở có thể nhận diện và xử lý rủi ro một cách có hiệu quả. Đây là điều kiện cần thiết đảm bảo cho HNX tổ chức vận hành TTCK ngày càng phát triển với cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, nhiều sản phẩm mới hơn. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với PwC sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của HNX.

“Điều kiện để HNX phát triển cơ sở hạ tầng và sản phẩm mới”

“PwC mong muốn đóng góp vào sự thành công của kinh tế Việt Nam

Ông Dennis Nally, Chủ tịch PwC toàn cầu

 
Với UBCK, PwC sẽ hỗ trợ UBCK trong công tác cảnh báo rủi ro sớm và với HNX sẽ làm công việc liên quan đến rà soát công tác kiểm soát nội bộ và rủi ro hoạt động của Sở. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường thể chế, quy chế quản trị, quản trị rủi ro, từ đó thu hút các NĐT quốc tế và khu vực đến với Việt Nam.

Mặc dù kinh tế toàn cầu đang có nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Chúng tôi thấy, thị trường quốc tế hiện nay cạnh tranh gay gắt, mức độ sinh lời suy giảm, nên việc tăng cường công tác kiểm soát rủi ro, bao gồm các rủi ro truyền thống và những rủi ro có thể phát sinh mới là điều rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định. Chính vì thế, việc giám sát các rủi ro kinh doanh là vấn đề thiết yếu với bất kỳ đơn vị, tổ chức nào.

Trong những năm qua, PwC Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một thành viên quan trọng trong mạng lưới PwC. PwC cam kết sẽ hỗ trợ PwC Việt Nam, để có thể đóng góp vào sự thành công chung của kinh tế Việt Nam.