Lừa đảo qua dịch vụ ngân hàng điện tử gia tăng
Ngày 10/8, một số ngân hàng đã ra thông báo cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua dịch vụ ngân hàng điện tử. Cụ thể, trong tin nhắn Vietcombank gửi tới các chủ tài khoản có nội dung khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên, mật khẩu truy cập ngân hàng điện tử, mã OTP, số thẻ qua điện thoại, email, mạng xã hội, website lạ… Nếu có tin nhắn yêu cầu cung cấp các thông tin nói trên, khách hàng nên phản hồi lại cho Vietcombank.
Trước đó, Sacombank cũng cảnh báo, đã xuất hiện một số nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng bằng cách giả website và gửi tin nhắn thông báo về số dư để lấy trộm thông tin. Thông tin từ Sacombank cho biết, những nhóm tội phạm này thường giả danh là nhân viên ngân hàng, yêu cầu khách đăng nhập vào một website giống với website của Sacombank để đánh cắp tên và mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch của khách hàng (mã xác thực, OTP SMS, OTP Token, mật khẩu giao dịch) mà Sacombank cung cấp. Từ đây, chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền để làm thủ tục nhận thưởng, hoặc hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch trên Internet Banking, ATM... để dẫn dắt khách hàng chuyển tiền vào tài khoản.
Để phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm trên, Sacombank khuyến cáo rằng, khách hàng không đứng tên giúp người khác để mở tài khoản, mở thẻ… Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, khách hàng phải bình tĩnh, tìm hiểu và xác thực thông tin. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.
Đồng thời, khách hàng cũng không nên cung cấp thông tin tài khoản, số thẻ, số bảo mật ở mặt sau thẻ (số CW2), tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch, mã xác thực cho người khác. Đặc biệt, khách hàng cần thông báo ngay cho cơ quan công an và Ngân hàng khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự mình xử lý, bởi sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm.
Sở dĩ các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo, bởi thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hơn các chiêu thức lừa đảo, giả mạo giao dịch ngân hàng điện tử, nhất là sau vụ việc hacker nước ngoài tấn công website ngành hàng không Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua, buộc nhiều ngân hàng phải khóa thẻ tín dụng để đảm bảo an toàn trong giao dịch thẻ, tránh rủi ro không đáng có cho các bên.
Trên thực tế, công nghệ thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Gần như toàn bộ các nghiệp vụ ngân hàng phải được tin học hóa ở mức rất cao, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành nội bộ, cũng như cung cấp các dịch vụ ngân hàng tiên tiến cho khách hàng (Internet banking, Mobile Banking, SMS Banking, dịch vụ thẻ...). Do đó, cũng với đặc điểm nay, ngành ngân hàng luôn phải đối mặt với các thách thức về an ninh trước làn sóng số hóa, nhất là với các dịch vụ thanh toán qua Internet.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, giải pháp bảo mật trong giao dịch của ngành ngân hàng là một nhóm các giải pháp tích hợp, trong đó, ngoài việc sử dụng giao thức mã hóa SSL, các ngân hàng còn sử dụng hạ tầng khóa công khai (PKI), thiết bị sinh khóa theo từng lần giao dịch (OTP)… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên Internet, Ngân hàng Nhà nước đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến đúng quy định của ngân hàng về việc quản lý, thay đổi mã khóa giao dịch khi có nghi ngờ bị đánh cắp thông tin và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình, đồng thời phản hồi ngay cho ngân hàng đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện…
Hạn chế bằng cách nào?
Những năm qua, tại thị trường Việt Nam, mặc dù việc sử dụng tiền mặt để thanh toàn còn cao, song việc thanh toán không bằng tiền mặt cũng đã phát triển rất nhanh. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho thấy, hiện đã có hơn 80 triệu thẻ được phát hành tại Việt Nam. Ít năm gần đây, hoạt động thanh toán thẻ tại thị trường Việt Nam phát triển ngày càng mạnh trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cũng như việc ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động ngân hàng và sự chuyển hướng tập trung của các ngân hàng vào lĩnh vực bán lẻ. Song hành với sự phát triển là rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phát hành và thanh toán thẻ, khiến các ngân hàng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng đều đang áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau để giám sát và phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận, nhằm hỗ trợ chủ thẻ hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy nhiên, đó là về phía ngân hàng, trong khi chủ thẻ mới là yếu tố chính quyết định việc đảm bảo bảo mật thông tin. Bởi theo các ngân hàng, nhiều chủ thẻ hiện còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn cho chiếc thẻ.
Tổng giám đốc một ngân hàng khuyến nghị, trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, khách hàng nên kín đáo, không chuyển cho người khác xem, không nhờ ngưới khác giao dịch hộ, hoặc cho mượn thẻ, bởi từ đó thông tin trên thẻ tín dụng có thể bị lộ. Trong trường hợp cần thiết, có thể mở thẻ phụ cho người thân/bạn bè để sử dụng. Khách hàng nên thường xuyên kiểm tra sự tồn tại của tấm thẻ sau mỗi lần sử dụng, hoặc sau một thời gian dài không sử dụng để có thể sớm phát hiện khi thẻ bị thất lạc và thông báo kịp thời đến ngân hàng để khóa thẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ thẻ vẫn bị mất tiền, cho dù đã tuân thủ quy trình sử dụng thẻ an toàn. Vì vậy, theo lãnh đạo của DongA Bank, khi sử dụng thẻ để thanh toán mua hàng, ăn uống, sử dụng dịch vụ tại khách sạn…, chủ thẻ nên quan sát trực tiếp việc nhân viên thu ngân, nhân viên phục vụ quẹt thẻ, không nên giao thẻ cho thu ngân, phục vụ tự đi đến nơi đặt POS để quẹt thẻ. Đối với nhu cầu giao dịch mua hàng trên mạng, chủ thẻ cần chọn những website uy tín.
Đặc biệt, khách hàng không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV – 3 số cuối, in nghiêng, nằm ở mặt sau của thẻ, bên cạnh dải chữ ký và dưới dải từ) nhằm tránh rủi ro thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng. Mặt khác, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thẻ, chủ thẻ nên đăng ký sử dụng dịch vụ biến động số dư qua SMS để thuận tiện theo dõi các giao dịch thực hiện từ số thẻ của mình.
Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương Arn Vogels khuyến khích, các ngân hàng nên đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu, chẳng hạn như chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip, bởi nó có thể hạn chế tối đa rủi ro, cho dù có tốn kém hơn so với công nghệ thẻ từ. Bởi theo vị này, không có một công cụ công nghệ nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng một khi rủi ro xảy ra, cho dù nhỏ, cũng có thể để lại ấn tượng tiêu cực đối với khách hàng.