Các nhà phân tích của Fitch Solutions nhận định, dù triển vọng ngắn hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tươi sáng, nhưng một số rủi ro sẽ sớm xuất hiện.
Dự báo kinh tế toàn cầu điều chỉnh mới được Liên hợp quốc công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ tăng từ 4,7% lên 5,4%, phần lớn là nhờ việc phân phối vắc-xin ở Mỹ, châu Âu, và Trung Quốc, cùng với chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ.
Theo Liên hợp quốc, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, khi các ngành xuất khẩu phục hồi. Trong khi đó, cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, lên mức 6,7% trong năm 2021 và 7% vào năm 2022.
Ngược lại, cũng trong tháng 4/2021, Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Tập đoàn Fitch - đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,8%, từ mức 8,6% công bố trước đó.
Các nhà phân tích của Fitch Solutions nhận định, dù triển vọng ngắn hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tươi sáng, nhưng một số rủi ro sẽ sớm xuất hiện. “Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của sự thành công của chính mình, khi các nguồn lực hiện có đang căng sức, đẩy chi phí tăng cao và làm xói mòn khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”.
Fitch Solutions cảnh báo, để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam cần giải quyết 4 bài toán, bao gồm: tăng vốn con người, cải thiện hạ tầng giao thông quốc gia, hấp thụ chuyển giao tri thức từ khu vực nước ngoài, giám sát tốt hơn các rủi ro thị trường tài sản. Thất bại trong giải quyết 4 vấn đề này có thể kéo nền kinh tế giảm tốc trong trung hạn.
Thứ nhất, với vấn đề tăng vốn con người, các nhà phân tích Fitch Solutions cho rằng, Việt Nam cần quyết liệt nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong nước, trong đó đào tạo kỹ năng là điều tối quan trọng. Chính phủ cần đặt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng bền vững vào Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và trọng tâm là phát triển công nghệ cao.
Thứ hai, Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu cấp bách phải tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông. Fitch Solutions giữ sự lạc quan thận trọng về triển vọng phát triển hạ tầng giao thông và logistics ở Việt Nam trong những năm tới, vì công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều thách thức, gây chậm tiến độ dự án.
Thứ ba, trong nỗ lực nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị, Chính phủ cần thiết lập các chính sách và yêu cầu về gia công nội địa đối với doanh nghiệp FDI, để tạo cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước tiếp cận và đảm nhiệm sản xuất hàng hóa đầu vào phù hợp với yêu cầu của khu vực FDI và chất lượng nhập khẩu.
Thứ tư là kiềm chế rủi ro thị trường tài sản. Điều kiện tín dụng lỏng lẻo dễ dẫn đến các bong bóng tài sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TS Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá, các bong bóng tài sản đe dọa sự phục hồi kinh tế theo hai cách.
Một là, chúng gây bất ổn vì đẩy tăng trưởng tín dụng lên quá mức và lạm phát lên cao.
Hai là, các bong bóng tài sản khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi đầu tư sản xuất.
“Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy, lạm phát ở Mỹ có thể dẫn đến việc tăng lãi suất ở Mỹ và điều này sẽ đổi hướng dòng vốn từ các thị trường mới nổi như Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thận trọng và có hành động điều tiết các dòng vốn chảy vào Việt Nam nếu chúng đe dọa xâm lấn thị trường trong nước”, GS-TS Jonathan Pincus cảnh báo.
Trong trung và dài hạn, cố vấn kinh tế UNDP cho rằng, Việt Nam cần cải cách thuế đất đai, tài sản và thuế lợi tức, nhằm giảm đầu cơ vào chứng khoán và đất đai. Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự minh bạch hơn nữa trong tài chính doanh nghiệp, với những quy định pháp luật chặt chẽ hơn về công bố thông tin và thực thi tốt hơn các quy định hiện hành.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!