Munich hiện là thành phố dễ tổn thương nhất trước nguy cơ xuất phát từ bong bóng thị trường bất động sản, theo Chỉ số bong bóng bất động sản (Real Estate Bubble Index) được UBS Group AG công bố thường niên. Trong khi đó, các thành phố khác thuộc châu Âu như Frankfurt và Paris cũng chứng kiến giá nhà gia tăng một cách không bền vững, tạo rủi ro lớn tới các thành viên thị trường, nhất là trong bối cảnh một số thành phố vốn được mệnh danh là đắt đỏ bậc nhất thế giới đang theo xu hướng hạ nhiệt.
Chẳng hạn, lần đầu tiên trong 4 năm qua, London đã không còn được nhắc tới bởi vấn đề bất động sản được định giá quá cao, gây nguy hiểm cho thị trường bất động sản nơi đây. Giá nhà tại thủ đô nước Anh đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh đạt được vào giữa năm 2016, sau khi quốc gia này bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit. Quá trình Brexit kéo dài, cùng với mức thuế cao hơn đánh vào bất động sản khiến thị trường bất động sản London hạ nhiệt.
Trong khi đó, Hồng Kông - thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, vốn luôn được nhắc tới bởi rủi ro bong bóng, cũng chứng kiến thị trường dịu đi khi giá nhà đi xuống trước tác động của các biến động chính trị và tình hình bất ổn nơi đây.
“Trên quy mô toàn cầu, hiện tại, mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế đang có tác động mạnh hơn tới giá nhà, so với lực đỡ từ việc lãi suất giảm. Tuy nhiên, riêng đối với khu vực châu Âu, môi trường lãi suất thấp vẫn có tác động hỗ trợ đà tăng giá của bất động sản, tạo ra rủi ro bong bóng với thị trường này”, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management cho biết.
Lãi suất xuống dốc khiến nhà đầu tư không còn mấy mặn mà với các loại tài sản như trái phiếu, tiết kiệm. Điều này khiến dòng tiền chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản tại nhiều thành phố trên toàn cầu, nhất là tại khu vực châu Âu, nơi lãi suất đã xuống tới mức âm.
Trong bối cảnh này, giới chuyên gia đưa ra cảnh báo với nhà đầu tư khi dòng vốn đang chảy mạnh vào các thị trường có rủi ro bong bóng. Matthias Holzhey, người đứng đầu bộ phận đầu tư bất động sản tại Thụy Sỹ của UBS Global Wealth Management cho rằng, giới chức các địa phương sẽ sớm có biện pháp chặn đà tăng nóng của giá nhà, khiến thị trường có sự điều chỉnh. Điều này sẽ sớm xảy ra tại các thành phố có mức tăng giá nhà mạnh tại châu Âu.
Đáng chú ý, không có thành phố nào của nước Mỹ chứng kiến rủi ro bong bóng bất động sản gia tăng. Đây là điều lần đầu tiên xảy ra kể từ năm 2011 tới nay. Nguyên nhân xuất phát từ việc các quy định đối với thị trường bất động sản có sự thay đổi, giá nhà New York vẫn duy trì ở mức cao nhưng không theo xu hướng tăng, trong khi vấn đề xung đột thương mại với Trung Quốc và dấu hiệu nền kinh tế đi xuống khiến tăng trưởng giá nhà tại các thành phố khác như San Francisco, Los Angeles, Boston vẫn ở dưới ngưỡng cảnh báo.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com