Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm 3 tháng liên tiếp

Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm 3 tháng liên tiếp

Cảnh báo nguy cơ PMI suy giảm kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc tiếp tục giảm trong tháng 5, cũng là tháng giảm thứ 3 liên tiếp, như là dấu hiệu cảnh bảo nguy cơ ngành sản xuất trong nước rơi vào suy giảm kéo dài.

Chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 5 tại châu Á đang cho thấy sự hồi phục không đồng đều. Đơn cử, chỉ số PMI của Trung Quốc tăng lên 50,9 điểm trong tháng 5 từ 49,5 điểm trong tháng 4, cho thấy tâm lý lạc quan hơn về các số liệu kinh tế vĩ mô nhờ nhu cầu hàng hóa đang tăng nhanh trở lại, bất chấp việc nền kinh tế nước này phục hồi chậm.

Tương tự, số PMI lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản đạt 50,6 điểm - lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 điểm kể từ tháng 10/2022 và đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong một năm qua.

Ấn tượng nhất là chỉ số PMI của Ấn Độ khi tăng lên 58,7 điểm trong tháng 5 so với 57,2 điểm của tháng 4 - đạt mức cao nhất trong 31 tháng qua với lượng đơn đặt hàng tăng trong tháng thứ 23 liên tiếp.

Bên cạnh sự khởi sắc, nhiều nền kinh tế khác trong khu vực tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Đơn cử, tại Hàn Quốc, chỉ số PMI tháng 5/2023 của nước này giảm về mức 48,4 điểm - lần đầu tiên rơi vào giai đoạn giảm dài nhất trong 14 năm qua do nhu cầu toàn cầu giảm, ảnh hưởng đến sản lượng và đơn đặt hàng trong nước.

Còn tại Việt Nam, ngành sản xuất tiếp tục suy giảm trong tháng 5 khi chỉ số PMI giảm về mức 45,3 điểm so với mức 46,7 điểm trong tháng 4 - cũng là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm các điều kiện kinh doanh và nhu cầu vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo của S&P Global về kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm tháng thứ ba liên tục, đi cùng với đó là sản lượng tại các nhà máy cũng giảm ba tháng liên tiếp với tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 1/2023 và giảm ở cả 3 lĩnh vực sản xuất, trong đó giảm mạnh nhất là lĩnh vực sản xuất hàng hóa trung gian.

Số liệu của Tổng Cục thống kê cũng cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài, chứ không chỉ là tạm thời như dự báo trước đó. Nhiều doanh nghiệp đã có động thái đối phó bằng cách thu hẹp cả về sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế đánh giá, sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia sau dịch là dễ hiểu bởi mỗi nước có điều kiện và các chính sách phát triển khác nhau, nhưng con số 45,3 điểm PMI của Việt Nam là quá thấp, phản ánh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, trì trệ.

Theo ông Hiếu, có thể GDP quý II/2023 của Việt Nam vẫn tăng so với quý I, dự báo đạt khoảng 5%, nhưng về tổng thể vẫn chưa thực sự tích cực, mà chỉ số PMI tháng 5 là một minh chứng. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay dường như quá sức, bởi để đạt được mục tiêu này, các quý còn lại của năm đều phải trên 7% - một thách thức rất lớn. Chưa kể, việc đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao có thể khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng ‘over run’ (quá tải) nên cần có sự điều chỉnh lại để phù hợp hơn với thực tiễn.

“Năm 2022, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng tới 8,2% là do so sánh với mức nền thấp của năm 2021 khi phải chống chọi với dịch bệnh, nên chưa phản ánh đúng thực tế của nền kinh tế. Với bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng, mức tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2023 là phù hợp”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Tin bài liên quan