Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng mạnh

(ĐTCK) Trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là nguy cơ lạm phát tăng mạnh.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2018 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) vừa công bố, với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của GDP quý III, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của GDP cả năm 2018 do Quốc hội đề ra gần như sẽ hoàn thành.

Phân tích cụ thể, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, bức tranh tăng trưởng kinh tế hiện tại có nhiều điểm sáng. GDP quý III/2018 của Việt Nam tăng trưởng tích cực, đạt mức 6,88%, cao hơn mức tăng của quý II và cao hơn dự báo trước đó.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm  nay tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của tăng trưởng - tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 12,9%.

“Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6,8% trong năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mắt với nhiều thách thức”, ông Thành nhận định.

Đánh giá về các tác động, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, những diễn biến của kinh tế thế giới hiện tại có thể tác động tới kinh tế Việt Nam ở nhiều góc độ.

Thứ nhất, tuy nguy cơ đối đầu thương mại trực tiếp với Mỹ không cao, nhưng cán cân thương mại có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc. Hơn nữa, việc VND phụ thuộc vào USD cũng khiến hàng hóa Việt Nam ngày càng kém cạnh tranh hơn.

Thứ hai, dòng vốn vào Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất USD, khi dự kiến sẽ tăng thêm 1 lần trong năm 2018 và 2 lần trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc USD mạnh lên còn gây áp lực lên lãi suất VND, ảnh hưởng tới chính sách ổn định tỷ giá và phòng ngừa lạm phát.

“Lãi suất tăng sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng”, ông Thành nói.

Liên quan đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần đặc biệt lưu ý hiện tượng suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp thời gian gần đây.

“Dù chưa đủ để kết luận dòng vốn đầu tư trực tiếp có rời khỏi Việt Nam hay không, nhưng dòng vốn này đang cho thấy sự chững lại. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam sau nhiều năm thu hút vốn FDI rất khả quan nên rất cần lưu tâm”, ông Thế Anh cảnh báo.

Tương tự, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo lưu ý về sự suy giảm của dòng vốn gián tiếp trên thị trường chứng khoán.

“Tuy không mạnh, nhưng vẫn cần lưu tâm tới sự sụt giảm của dòng vốn ngoại, nhất là khi xu hướng tăng lãi suất USD vẫn tiếp diễn. Khi đó, dòng vốn sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, nhất là những nền kinh tế có nền tảng vĩ mô còn yếu.

Kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng khả quan, song vẫn là nền kinh tế có nền tảng vĩ mô yếu, nên sẽ chịu nhiều ảnh hưởng”, ông Thế Anh nhận định.

Tuy lạm phát trong năm nay được đánh giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ gia tăng mạnh trong thời gian tới đã hiện hữu.

Liên quan đến lạm phát, báo cáo của VEPR cho thấy, lạm phát quý III/2018 tuy không còn tăng mạnh như quý trước đó, nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu do giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh, bên cạnh giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng.

Nhóm chuyên gia nghiên cứu của VEPR cho rằng, tuy lạm phát trong năm nay được đánh giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ gia tăng mạnh trong thời gian tới đã hiện hữu.

Trước những diễn biến của giá năng lượng thế giới hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít) từ đầu năm 2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát tăng mạnh. Theo đó, việc giữ mục tiêu lạm phát ở mức 4% như những năm vừa qua là rất khó khăn.

Số liệu tính toán của VEPR cũng cho thấy, chỉ riêng việc tăng thuế môi trường có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong vòng 1 năm tới.

Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, cần thận trọng trong việc điều tiết cung tiền và chính sách tín dụng trong thời gian tới nhằm tránh lạm phát tăng vượt kiểm soát.

Về tổng thể, VEPR cho rằng, cần nhanh chóng cải cách, chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đẩy đủ để tránh những bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu, đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, chống tham nhũng…

Tin bài liên quan