Cảnh báo một số yếu tố khiến lạm phát tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
“Nhập khẩu lạm phát”, một số mặt hàng tăng giá khá cao, sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường… là những yếu tố lưu ý nhằm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2021.
Cảnh báo một số yếu tố khiến lạm phát tăng cao

Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của nhiều năm trước (năm 2020: tăng 4,39%; năm 2019: tăng 2,74%; năm 2018: tăng 3,01%; năm 2017: tăng 4,47%; năm 2016: tăng 1,59%…).

Trong 5 tháng qua, có 9 nhóm mặt hàng tăng giá, nhưng chỉ có 2 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung (giao thông tăng 7,98%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,8%). Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (0,82% so với 2,88%) và thấp hơn tốc độ tăng tương ứng về CPI bình quân trong 5 tháng năm nay (0,82% so với 1,29%).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề cần cảnh báo về lạm phát trong thời gian tới.

Thứ nhất, là “nhập khẩu lạm phát”. Lạm phát trên thế giới có nguyên nhân chủ yếu từ lượng tiền “khủng” do các nền kinh tế lớn “bơm” ra trong hơn 1 năm qua, từ khi Covid-19 bùng phát (ước tính trên 20.000 tỷ USD, bằng GDP của nước Mỹ và bằng khoảng 1/4 GDP toàn cầu). Tình trạng lạm phát trên thế giới khiến giá nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tăng, làm cho chi phí đẩy - một yếu tố của lạm phát trong nước - tăng theo.

Thứ hai, là những yếu tố lạm phát trong nước.

Trong 5 tháng đầu năm, một số mặt hàng có tốc độ tăng CPI khá cao. Lương thực sau 5 tháng đã tăng 2,52%, bình quân 5 tháng tăng 5,75% (chủ yếu do giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12%); giao thông sau 5 tháng tăng 7,98%; giáo dục bình quân 5 tháng tăng 4,08% (chủ yếu do nhiều trường đại học đã thực hiện tự chủ về tài chính và một số địa phương, một số trường ngoài công lập tăng học phí đối với học sinh phổ thông, nhất là lớp 10 chuyên).

Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng thấp hơn nhập khẩu (30,7% so với 36,4%). Diễn biến đó chứng tỏ, quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP bước đầu có sự thay đổi theo hướng sử dụng GDP tăng cao hơn so với sản xuất GDP. Tuy sử dụng tăng cao hơn sản xuất cũng góp phần tăng sản xuất, nhưng diễn biến đó cũng là yếu tố tác động đến lạm phát.

Một biểu hiện khác là tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) có xu hướng cao lên so với cùng kỳ năm 2020 (5 tháng đầu năm 2021 tăng 6,27%). Quan hệ cung - cầu đối với một số nhóm/mặt hàng cụ thể đã có sự thay đổi theo hướng tổng cầu tăng cao hơn so với tổng cung.

Yếu tố trực tiếp, yếu tố cuối cùng để lạm phát biểu hiện ra là tiền tệ - tín dụng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cao hơn tốc độ tăng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng quý I/2021 đạt 2,93% (cao hơn mức 1,21% của cùng kỳ năm 2020). Dư nợ tín dụng đã lên tới 9,46 triệu tỷ đồng, bằng 150,4% GDP năm 2020. Tốc độ tăng huy động thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng (tính đến ngày 19/3/2021 tăng 0,54%) và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng 2,28% của cùng kỳ 7 năm trước đó, tính từ năm 2015).

Điều đó chứng tỏ, tiền từ ngân hàng ra thị trường nhiều hơn tiền từ thị trường vào ngân hàng, tạo sức ép tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Diễn biến này do 2 yếu tố chủ yếu là lãi suất tiết kiệm giảm, hiện ở mức rất thấp (đã chuyển từ thực dương trong mấy năm trước sang gần như thực âm) và sự chuyển động của dòng tiền trên thị trường.

Cụ thể, một lượng tiền khá lớn của xã hội từ các nguồn đã đổ dồn vào bất động sản, làm giá bất động sản tăng nhanh, tăng lớn, tăng trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, một lượng tiền lớn được đưa vào thị trường chứng khoán (gần đây lên tới trên 27.000 tỷ đồng - 28.000 tỷ đồng/phiên). Nếu giá bất động sản, điểm số chứng khoán vượt đỉnh sang bên kia dốc, thì “bong bóng” sẽ vỡ, một lượng tiền ở thị trường này sẽ gây áp lực lớn lên giá hàng hóa, tiêu dùng và khiến lạm phát tăng cao.

Tin bài liên quan