“Dọn đường” trước khi tòa tuyên án
Ngày 21/4/2025, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn II.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trước khi tới ngày tuyên án này, băng nhóm lừa đảo online đã lên kế hoạch lừa đảo mà “con mồi” chính là hàng chục ngàn “khổ chủ” của các mã trái phiếu Vạn Thịnh Phát.
Cụ thể, khoảng tháng 2/2025, nhằm đảm bảo việc tổ chức thi hành án đúng quy định pháp luật, hiệu quả, chính xác, kịp thời, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) hỗ trợ, hướng dẫn các trái chủ cung cấp hồ sơ thực hiện thi hành án, gửi về TVSI để công ty này tổng hợp gửi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.
Bộ hồ sơ được cung cấp mẫu sẵn cũng như hướng dẫn chi tiết (gồm đơn đề nghị nhận thông báo về thi hành án; căn cước công dân; giấy xác nhận thông tin tài khoản ngân hàng) và chỉ nộp về một đầu mối.
Nhưng thời điểm này, các băng nhóm lừa đảo online đã thâm nhập vào các nhóm trên Facebook, Zalo của các trái chủ, giả làm trái chủ và khuyên can những người khác không làm, không ký, không gửi hồ sơ. Sau đó, xuất hiện nhiều nick (tài khoản người dùng) tự xưng là luật sư của một số văn phòng luật sư và đề nghị được… hỗ trợ trái chủ làm hồ sơ, chi phí “tùy tâm”.
Tới giữa tháng 3/2025, khi đã có trên 34.000 trái chủ gửi đơn, còn thiếu hồ sơ của khoảng 10.000 nạn nhân, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM thông báo đề nghị những trái chủ chưa gửi hồ sơ cần khẩn trương nộp, để chuẩn hóa dữ liệu trước khi vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm bước vào giai đoạn xét xử phúc thẩm, đảm bảo quá trình thi hành án được tiến hành suôn sẻ khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Bà P.Uyên, một trái chủ trái phiếu Vạn Thịnh Phát cho hay, không chỉ trên mạng, nhóm lừa đảo còn in cả tờ rơi bí mật phát trực tiếp cho trái chủ với nội dung: “Nhận làm dịch vụ hồ sơ trái chủ trái phiếu Vạn Thịnh Phát. Cam kết được nhận lại tiền đợt đầu nhanh. Vui lòng liên hệ số điện thoại… để được tư vấn và hỗ trợ”.
“Hô biến” nhóm trái chủ thành… nhóm đầu tư chứng khoán ảo
Nhiều trái chủ bức xúc cho biết, dù đã nộp hồ sơ, nhưng họ vẫn liên tục bị nhiều kẻ tự xưng là người thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật liên quan đến việc thi hành án gọi điện đề nghị cung cấp căn cước công dân, thông tin cá nhân, vì hồ sơ bị thiếu.
“Khi chúng tôi đến TVSI nộp hồ sơ, phía nhận đã rà soát thông tin và biên nhận rõ ràng, đầy đủ, không thể thiếu được”, một trái chủ phản ánh.
Cho rằng có dấu hiệu lừa đảo, các trái chủ đã vào các hội/nhóm trên mạng xã hội kêu gọi, hướng dẫn những “khổ chủ” khác đến đúng địa chỉ của TVSI để nộp hồ sơ, không nghe điện thoại dọa dẫm để kết nối nộp hồ sơ online.
Không chỉ vậy, cũng trong khoảng thời gian này, một trong các nhóm Zalo nạn nhân của trái phiếu Vạn Thịnh Phát bỗng đổi tên thành “VN Finance”, kêu gọi đầu tư sàn chứng khoán ảo. Lúc này, những trái chủ thực sự mới “té ngửa” khi phát hiện, trưởng/phó nhóm chính là kẻ lừa đảo. Bọn chúng tận dụng nỗi thống khổ của trái chủ, lập nhóm để tập trung mọi người lại, rồi âm mưu biến họ thành con mồi, dụ đầu tư vào sàn chứng khoán ảo.
Các trái chủ vội vã đăng thông tin này lên các hội/nhóm mạng xã hội cảnh báo để mọi người tránh bị lừa. Lập tức, trong các nhóm này xuất hiện nhiều “trái chủ giả” bình luận ngay dưới lời cảnh báo: “Mình cũng bị lừa qua mấy sàn giao dịch tiền ảo, may lấy lại được tiền. Inbox (nhắn tin riêng - PV), mình chia sẻ cách lấy lại tiền”.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trưởng nhóm Dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng) cho hay, thông tin “Inbox, mình chia sẻ cách lấy lại tiền” chính là thủ đoạn “bẫy trong bẫy” ở cấp độ 2 vô cùng tinh vi của nhóm lừa đảo.
Nắm được tâm lý của người bị hại là lên các trang mạng xã hội để tìm lời khuyên, cách thức lấy lại tiền, hoặc đơn giản chỉ là chia sẻ để “cộng đồng mạng” tránh bị lừa, chúng sẽ buông những lời chia sẻ, ủi an nạn nhân, mắng “bọn lừa đảo” thậm tệ, phân tích các hành vi lừa đảo liên quan tội danh gì…, rồi hứa hẹn sẽ giúp nạn nhân lấy lại tiền một cách nhanh chóng.
Được an ủi, được “khai sáng” pháp lý cùng những lời hứa hẹn như vậy, người gặp nạn như “sắp chết đuối vớ được phao”, sẵn sàng chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ”. Khi khoản tiền này được chuyển đi, những kẻ lừa đảo biến mất không dấu vết.
Đây là cuộc tấn công tâm lý nhắm vào những điểm yếu nhất của con người là sự tiếc của, tuyệt vọng và thiếu hiểu biết để tạo ra một vòng lặp khiến nạn nhân của một vụ lừa đảo có thể trở thành mục tiêu của những vụ lừa đảo tiếp theo.
Dạng bẫy này giăng kín như mạng nhện, đặc biệt là bẫy “đánh” chứng khoán, “chơi” Forex.
Táo tợn đến tận nhà khổ chủ gạ ký hợp đồng
Trước khi phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn II vụ án Vạn Thịnh Phát vào giai đoạn tuyên án, các trái chủ lại “bật ngửa” khi nhóm lừa đảo tới tận nhà một “khổ chủ” đề nghị ký hợp đồng.
Theo lời chị N.T.C (con gái của một trái chủ cao tuổi), có một nhóm người xưng là cán bộ thi hành án TP.HCM tới tận nhà bố mẹ chị hỏi có làm dịch vụ lấy lại tiền sớm không. May mắn, bố mẹ chị C. đi vắng, cô em gái vội đưa điện thoại cho nhóm người kia nói chuyện với chị C.
Đầu dây, một người đàn ông nói rõ với chị C. rằng, vụ Vạn Thịnh Phát là vụ án phức tạp, kéo dài, nạn nhân đông tới hàng chục ngàn người, nên trái chủ rất khó lấy lại được tiền. Vì vậy, nếu gia đình muốn lấy lại tiền sớm, thì chỉ có nhờ dịch vụ, chính nhóm người này thực hiện. Nếu nhờ, thì 30 ngày sau khi Tòa xử xong, gia đình sẽ nhận lại được 30% tiền trái phiếu; 60 ngày sau sẽ nhận tiếp 30%; phần còn lại (40%), thì nhóm dịch vụ này sẽ “ngoại giao” để đòi tiếp.
“Tôi hỏi, tiền phí dịch vụ lấy tiền hộ là bao nhiêu, người kia nói là… tùy gia đình, nhưng mà ít quá thì sẽ có ý kiến sau. Rồi người đó giục tôi, nếu muốn lấy tiền nhanh về cho gia đình để trang trải cuộc sống, để tiền trái phiếu không bị ‘hóa bùn’, thì có thể ký hợp đồng luôn. Tôi bảo, hôm nay, ngày mai đều bận, thì người đó liền bảo, tranh thủ tối tới ký hợp đồng luôn”, chị N.T.C thuật lại. Rất may, chị đã không nghe theo lời của nhóm “dịch vụ” trên.
Nhiều trái chủ khác cũng phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư về việc bị nhiều người tới tận nhà hoặc gọi điện đọc chi tiết tên tuổi, mã trái phiếu bị lừa… Họ thắc mắc, tại sao những kẻ lừa đảo online có thể nắm rõ thông tin đến vậy.
Trong góc nhìn của mình, chúng tôi cho rằng, cũng không khó để kẻ lừa đảo biết được thông tin của trái chủ, bởi đơn giản, chúng đã ẩn mình trong các hội/nhóm mạng xã hội từ rất lâu, nắm từ diễn biến vụ việc đến tâm tư của từng “con mồi”.
Mặt khác, khi ban hành quyết định về việc đưa vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II ra xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân TP.HCM cũng công bố công khai các phụ lục bao gồm danh sách hơn 35.824 người mua trái phiếu trong giai đoạn II của vụ án. Mục đích là để các trái chủ kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân và theo dõi thông tin xét xử vụ án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân TP.HCM. Các băng nhóm lừa đảo đã khai thác danh sách này, nên chúng dễ dàng tìm được tới tận nhà trái chủ. Đó cũng là mặt trái của vấn đề.
“Nạn nhân trái phiếu đã thê thảm, mà bọn lừa đảo còn muốn vét kiệt cả mồ hôi, xương máu cuối cùng của họ. Đúng là ác quá! Có hôm tôi đến TVSI nộp hồ sơ, chứng kiến cả mấy chục cô chú lớn tuổi ngồi xe lăn tới nộp. Thế nên, tôi phải cảnh báo lừa đảo online cho mọi người”, trái chủ P.U.Phương tâm sự với phóng viên Báo Đầu tư.
May mắn, hoặc có thể các “khổ chủ” đã bị những kẻ lừa đảo hại, nhưng muốn giấu, nên theo khảo sát nhanh của phóng viên Báo Đầu tư, đến thời điểm này, chưa thấy trái chủ nào dính bẫy lừa đảo!
ĐƯỢC GIẢM ÁN, TRƯƠNG MỸ LAN VẪN KHÔNG THOÁT ÁN TỬ HÌNH
Ngày 21/4/2025, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với các bị cáo trong phiên phúc thẩm giai đoạn II vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Theo đó, giảm án tù chung thân xuống 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỷ đồng của trái chủ đối với bị cáo Trương Mỹ Lan; y án 12 năm tù về tội rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng; y án 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 106.000 tỷ đồng. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Trương Mỹ Lan phải lãnh ở giai đoạn II là 30 năm tù.
Ở giai đoạn I của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình vì chiếm đoạt của SCB hơn 677.000 tỷ đồng.
Vì vậy, tổng hợp hình phạt tại bản án ở giai đoạn I và giai đoạn II, tòa buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình, đồng thời bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng cho trái chủ và hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB.
Liên quan số tiền thu hồi thi hành án, theo Hội đồng Xét xử phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, tính đến ngày 31/3/2025, cơ quan chức năng đã thu hơn 8.600 tỷ đồng. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan hơn 21.000 tỷ đồng. Cơ quan liên quan tiếp tục kê biên số tiền 43.000 tỷ đồng tại một số công ty để bà Trương Mỹ Lan dùng số tiền này khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan cũng đề nghị thu hồi 15.000 tỷ đồng tại một số tổ chức tín dụng, nhưng Hội đồng Xét xử xác định nội dung này nằm ngoài phạm vi xét xử.