Khi Covid-19 thoái trào, sự trở lại bình thường dự kiến sớm được thiết lập trên khắp thế giới. Thật không may, chúng ta vẫn chưa tới được thời điểm đó. Những gián đoạn kinh tế vĩ mô cản trở quá trình phục hồi của các quốc gia đang hiện diện, như lạm phát cao, giá hàng hóa tăng, thiếu hụt nguồn cung, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ và hỗ trợ tài khóa giảm.
Áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là nguyên nhân cản trở quá trình phục hồi. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng không phải mới xảy ra. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe được áp dụng trong 2 năm qua đã gây ra những tắc nghẽn lớn. Các trung tâm vận chuyển lớn như Los Angeles (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc) đã giảm công suất hoạt động, thời gian vận chuyển hàng qua biên giới bị kéo dài.
Với việc đại dịch được kiểm soát, sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc tế đã giảm bớt kể từ tháng 12/2021. Tại Mỹ, các cơ quan chính phủ đã làm việc với các chủ hàng, nhà bán lẻ và chính quyền cảng để tăng tốc độ vận chuyển hàng hóa.
Mặc dù tình hình đã được cải thiện trên khắp thế giới, nhưng các container vẫn đang di chuyển quá chậm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn căng thẳng so với trước đại dịch. Các chỉ số tương tự do Ngân hàng ABN-AMRO và Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ tổng hợp cũng cho các kết luận tương tự.
Chính sách không đồng nhất
Ông Patrick Lenain, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) |
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD vào năm 2021, vì vậy các doanh nghiệp Việt phấn khích khi tình hình dần được cải thiện. Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc - thị trường nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 56 tỷ USD đang diễn biến xấu hơn. Đại dịch bùng phát ở hàng chục thành phố đã khiến các biện pháp phong tỏa bị áp dụng nghiêm ngặt trở lại tại nước này.
Hiện tại, hầu hết các quốc gia đã quyết định sống chung với Covid-19 và chấp nhận virus hiện diện trong cộng đồng, nhưng Trung Quốc vẫn tuân thủ chính sách “không Covid”. Hơn 300 triệu công dân nước này đã được yêu cầu ở trong nhà trong hơn một tháng gần đây với sự kiểm soát nghiêm ngặt về bệnh dịch đối với các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Tại Thượng Hải - một trong những trung tâm sản xuất náo nhiệt nhất thế giới, các quy định phong tỏa đã tạo ra các vấn đề hậu cần nghiêm trọng. Một lượng lớn tàu hàng đang tồn đọng chờ được bốc dỡ. Tài xế phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Một số sản phẩm như các mặt hàng thực phẩm phải xin cấp phép đặc biệt... Tất cả các thủ tục này đã làm tăng chi phí vận chuyển một container đến và đi từ Trung Quốc lên gấp nhiều lần và tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay cả việc vượt qua biên giới đất liền Trung Quốc - Việt Nam cũng trở thành một thách thức mà hàng trăm tài xế xe tải phải đối mặt hàng ngày. Chính quyền Trung Quốc đã không cho phép các tài xế từ Việt Nam đi qua biên giới. Thay vào đó, hàng được dỡ khỏi xe, khử khuẩn và chất lại lên các xe tải Trung Quốc với đầy đủ trang bị bảo hộ để chuyển vào nội địa.
Các hoạt động phong tỏa của Trung Quốc rồi cũng sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, việc thu dọn lượng lớn container mắc kẹt sẽ mất nhiều thời gian và việc phong tỏa nghiêm ngặt có thể tiếp tục xảy ra khi Trung Quốc vẫn giữ chính sách “không Covid”.
Việt Nam có thể rút ra bài học từ các nước khác và giảm bớt căng thẳng về vấn đề vận chuyển. Giống như ở Mỹ, một lực lượng đặc nhiệm có thể được thành lập với sự tham gia của các cơ quan chức năng, hải quan, chủ hàng, doanh nghiệp và nhà bán lẻ Việt Nam để thống nhất hàng loạt giải pháp thiết thực. Việc đưa lực lượng này vào hoạt động 24/7 tại các biên giới, kể cả ngày lễ, sẽ giúp xử lý nhiều lô hàng hơn và giải phóng khỏi tồn đọng.
Ngoài ra, việc sử dụng tờ khai kỹ thuật số và nộp trực tuyến sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục. Các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tự trang trải các chi phí cho các thủ tục này. Vì vậy, Chính phủ nên có những hỗ trợ về mặt tài chính cho họ, giống như việc Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ đã hỗ trợ 450 triệu USD để giảm bớt tắc nghẽn hàng hóa.
Tuy nhiên, sự gián đoạn sẽ chưa thể biến mất hoàn toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng một số giải pháp quan trọng, như tăng dự trữ nguồn hàng đầu vào thiết yếu, khai phá các tuyến đường vận chuyển mới với các cửa khẩu biên giới khác nhau, đa dạng hóa cơ sở khách hàng ở các quốc gia và các tỉnh, thành phố khác nhau. Tất cả những giải pháp này sẽ giúp nâng cao khả năng phục hồi khi phải đối mặt với những gián đoạn trong tương lai.
Xung đột quân sự Nga - Ukraine cũng là một mối đe dọa đối với sự phục hồi toàn cầu. Trước khi xảy ra xung đột, đây là những nhà cung cấp lớn các loại năng lượng và ngũ cốc cho thị trường toàn cầu. Sự suy giảm các sản phẩm của Nga và Ukraine đã khiến giá cả hàng hóa tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn căng thẳng so với trước đại dịch. Các chỉ số tương tự do ngân hàng ABN-AMRO và Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ tổng hợp cũng cho các kết luận tương tự.
Mặc dù Việt Nam là nước sản xuất năng lượng và lương thực, thực phẩm lớn, nhưng vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ, than đá, khí đốt tự nhiên, phân bón, sắt, thép, nhôm và các mặt hàng nông nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các mặt hàng này đang phải chịu chi phí đầu vào tăng cao. Hơn nữa, chi phí này không phải lúc nào cũng được chuyển hết vào giá bán, do đó ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Xung đột Nga - Ukraine cũng đã làm gián đoạn hoạt động vận tải biển quốc tế. Các lực lượng quân sự đã đóng cửa các tuyến đường vận chuyển hàng hải ở các khu vực của Biển Đen và Biển Azov. Không phận Ukraine đã bị đóng cửa đối với các hãng hàng không dân dụng và không phận lãnh thổ Nga bị các hãng hàng không tránh bay qua.
Điều này đã làm giảm năng lực của các hãng vận tải hàng không quốc tế. Giờ đây, họ phải bay trên các tuyến đường dài hơn, các tuyến đường thay thế, đẩy chi phí nhiên liệu lên cao. Giá cước vận chuyển hàng không tăng vọt sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra khu vực và quốc tế.
Xung đột và mở cửa lại
Việc các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga đã gây ra những tác động toàn cầu. Nhiều ngân hàng thương mại của Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - hệ thống kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này khiến việc thực hiện và nhận thanh toán từ Nga trở nên rất phức tạp, ảnh hưởng đến thương mại giữa Việt Nam - Nga.
Du lịch chiếm 9,2% GDP trước đại dịch, nhưng Covid-19 đã dập vùi tỷ lệ này xuống chỉ còn 2%. Người ta đặt nhiều hy vọng rằng, việc mở lại biên giới sẽ giúp du khách quốc tế quay lại nhanh chóng, nhưng sự gián đoạn do các quy định phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc và do xung đột Nga - Ukraine sẽ còn gây nhiều xáo trộn và ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Trung Quốc là quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài lớn nhất đến Việt Nam, với khoảng 6 triệu khách hàng năm trước đại dịch. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không cho phép các đại lý du lịch nước này bán tour du lịch theo nhóm và du lịch trọn gói kể từ tháng 1/2020. Lệnh cấm này được nhắc lại lần cuối trong một cuộc họp báo vào tháng 3 năm nay.
Những quy định hạn chế về việc quay trở lại Trung Quốc cũng rất chặt chẽ, bao gồm cả yêu cầu kiểm dịch khi đến nơi và theo dõi sức khỏe tại nhà, khiến việc đi lại giữa Trung Quốc và các nước khác trở nên rất khó khăn.
Một nguồn khách quan trọng khác, đó là hơn 600.000 người Nga đã đến thăm Việt Nam hàng năm trước đại dịch. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2022, Vietnam Airlines và Aeroflot đã hủy các chuyến bay thẳng giữa hai nước. Ngoài ra, khách du lịch Nga không thể sử dụng thẻ Visa, Mastercard và American Express khi đi du lịch nước ngoài. Các loại hình thanh toán khác như thẻ Mir của Nga có khả năng chấp nhận còn hạn chế.
Mặc dù vậy, ngành du lịch Việt Nam vẫn có tương lai tươi sáng. Các trung tâm du lịch trước đây bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, như Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Maroc và Tunisia đã có thể phục hồi. Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích ngành du lịch khám phá các thị trường mới và điều chỉnh các hoạt động tiếp thị để đa dạng hóa nguồn khách du lịch có sở thích và ngôn ngữ khác nhau.