Thực tế thời gian qua cho thấy, dù các cơ quan chức năng liên tiếp cảnh báo, song tâm lý khát vốn và lòng tham lãi suất cao đã khiến không ít người sập bẫy.
Trong muôn hình vạn trạng hình thức lừa đảo trên mạng, phổ biến nhất là các đối tượng mạo danh nhân viên công ty tài chính, liên hệ với người tiêu dùng qua Internets, qua facebook, điện thoại để tư vấn làm hồ sơ vay tiền với điều kiện dễ dàng, lãi suất thấp.
Để tạo lòng tin, các đối tượng này làm giả hợp đồng giải ngân, kiêm khế ước nhận nợ với con dấu giả. Sau khi dụ dỗ khách hàng đóng một khoản phí để vay vốn, các đối tượng này lập tức biến mất không để lại dấu vết.
Tương tự, một số cá nhân nhận làm “cò” môi giới vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, nhưng ngay khi nhận được phí môi giới cũng lập tức cao chạy xa bay.
Trường hợp của anh T. (trú tại quận Phú Nhuận, TP.HCM), người vừa vay trực tuyến từ Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài chính LGC (tạm gọi là Doctor Đồng) mà báo chí nêu là một thí dụ khác.
Theo anh T. đơn vị này cung cấp 3 hợp đồng (cung cấp dịch vụ, vay cầm cố, gửi giữ tài sản). nhưng không hợp đồng nào tính lãi theo lãi suất đã công bố. Khi thắc mắc, anh T. được giải thích Doctor Đồng chỉ là đơn vị trung gian kết nối bên cho vay.
Tâm lý khát vốn của một bộ phận người dân là rất lớn bởi theo thống kê sơ bộ, có tới 70% dân số Việt Nam chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hình thức lừa đảo cho vay qua mạng bùng nổ, trong đó có tín dụng đen.
Hiện có rất nhiều công ty cho vay qua mạng hoạt động công khai, chỉ cần chứng minh thư, người dân có thể vay hàng trăm triệu đồng.
Lãi suất cho vay được quảng cáo là 10%/tháng, nhưng thực chất lên tới 40%/tháng (gần 500%/năm) do lách ở các điều khoản phí, điều khoản phạt, bảo hiểm...
Một hình thức lừa đảo nữa đang được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương cảnh báo, đó là việc một số cá nhân, tổ chức lôi kéo người gửi tiền trên mạng theo hình thức đa cấp.
Trước những hứa hẹn về tỷ lệ hoa hồng, mức lãi suất cao, không ít người đã sập bẫy các đường dây này. Khi đường dây bị vỡ, người đứng đầu ôm tiền bỏ trốn, người gửi tiền đành ôm hận mất trắng vì lòng tham lãi suất cao.
Không chỉ những người dân ít tiếp cận dịch vụ ngân hàng có nguy cơ bị lừa, mà ngay cả những khách hàng lâu năm của ngân hàng cũng là đối tượng được tội phạm lừa đảo nhắm tới.
Thời gian gần đây, khách hàng của hàng loạt ngân hàng đã bị đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện, gửi email báo có khoản tiền gửi đến, yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập và mã OTP để nhận tiền.
Có người lại nhận được thông báo giả mạo về tài khoản Ebanking bị xâm nhập và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận. Có khách hàng lại bị lừa vì nhận được website giả mạo trang web ngân hàng và vô tư đăng nhập các thông tin cá nhân của mình lên đó…
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ bùng nổ, thói quen người tiêu dùng đang thay đổi khi giao dịch trên mạng nhiều hơn, giao tiếp qua mạng xã hội nhiều hơn, mua trả góp nhiều hơn, ít sử dụng tiền mặt hơn…
Bối cảnh đó khiến môi trường mạng trở thành mảnh đất béo bở cho lừa đảo thời công nghệ hoạt động.
Làm thế nào để người dân được giao dịch an toàn trên môi trường mạng đang là thách thức với các cơ quan chức năng.
Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mới được quyền huy động và cho vay.
Tuy nhiên, với cách mạng 4.0, nhiều hình thức cho vay mới đang xuất hiện. Xu hướng này cũng diễn ra ở nhiều nước, đòi hỏi sau một thời gian cho phát triển thử nghiệm, NHNN phải có hàng lang pháp lý để quản lý.
Tất nhiên, để hạn chế tình trạng lừa đảo trên mạng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng không bao giờ đủ.
Điều quan trọng nhất là mỗi người dân khi tham gia giao dịch trên mạng phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, thường xuyên cập nhật thông tin và kiến thức công nghệ, kiến thức tài chính để phòng tránh rủi ro.
Với những người dân có tài khoản ngân hàng, cần tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào, không vào các trang web lạ và báo ngay cho ngân hàng khi có dấu hiệu nghi ngờ hay tài khoản có giao dịch bất thường…
Với những người tìm đến kênh vay vốn hay gửi tiền qua mạng xã hội, cẩn đặc biệt cảnh giác, không nên dễ dàng cung cấp các thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Chỉ nên thực hiện xử lý hồ sơ tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính tiêu dùng, liên hệ qua tổng đài hoặc trang web chính thức của các công ty cung ứng dịch vụ vay vốn… để kiểm tra thông tin.
Rõ ràng, cùng với sự phát triển của công nghệ, các bẫy lừa đảo sẽ ngày càng tinh vi và phức tạp.
Sự cảnh giác của người tiêu dùng cùng nỗ lực của các cơ quan chức năng với những biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ giúp người dân tránh được thiệt hại, không còn e ngại khi giao dịch trên mạng.