FDI nhiều mà lo
Báo cáo Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam do nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và một số hiệp hội địa phương cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49 dự án, tương đương 73% số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả năm 2018. Tổng số vốn FDI đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2019 tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018.
Trong đó, các dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ xếp theo 9 nhóm hoạt động khác nhau, bao gồm chế biến gỗ, dăm gỗ, dịch vụ ngành gỗ, pallet gỗ, phụ trợ ngành gỗ, thương mại gỗ, ván nhân tạo, viên nén và các ngành khác, tập trung nhiều nhất vào mảng chế biến gỗ. Riêng trong 5 tháng đầu năm, đã có 32 dự án FDI đầu tư vào mảng chế biến gỗ, chiếm trên 60% trong tổng số 49 dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam.
Đáng chú ý là, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách nhóm các nước đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Trong 5 tháng đầu năm, đã có trên 50 triệu USD từ các dự án FDI mới của Trung Quốc đã được đăng ký đầu tư vào Việt Nam, cao hơn 1,7 lần vốn đăng ký của các dự án FDI Trung Quốc cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án chỉ là 2,1 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 4,2 triệu USD là quy mô mỗi dự án của cùng kỳ năm trước.
Phân tích về việc các dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tăng ồ ạt về số lượng, nhưng giảm về quy mô, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng, rất có thể trong bối cảnh Mỹ áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư các nhà máy nhỏ tại Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế về xuất xứ.
“Rủi ro rất lớn sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp này nhập các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc, sau đó sơ chế tại các nhà máy ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế”, ông Phúc cảnh báo.
Mặc dù, Báo cáo Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện chưa thống kê các nhà máy của Việt Nam được mua bằng vốn của Trung Quốc dưới dạng cổ phần. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, rất dễ xảy ra tình trạng các nhà máy của Việt Nam có vốn đầu tư của Trung Quốc dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ. Đây là điều bất bình thường, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những đánh giá về vai trò và mục đích của các dự án đầu tư.
Kiểm soát chặt phòng tránh gian lận thương mại
Để tránh các rủi ro trong thương mại, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong dự án FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu. Từ đó phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam rà soát toàn bộ dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có biến động lớn.
Bên cạnh đó, quy trình cấp phép giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.
Mặt khác, cần rà soát toàn bộ dòng sản phẩm có biến động nhập khẩu lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Việc so sánh giữa các dòng sản phẩm có độ biến động lớn trong xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và trong nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể giúp xác định được các rủi ro về gian lận thương mại...
Được biết, mặt hàng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, đến nay thuế suất thuế nhập khẩu đã nâng từ 10% lên 25%. Điều này đang làm gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Long, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Nhà nước cũng như các địa phương đều tạo mọi điều kiện thông thoáng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát. Đặc biệt là nâng cao vai trò của cơ quan quản lý đầu tư, sau khi cấp phép phải theo dõi chặt chẽ các dự án đầu tư.
Để phòng tránh gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, dẫn tới nguy cơ Mỹ có thể áp dụng các biện pháp siết chặt quản lý đối với gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan rà soát, kiểm tra công tác quản lý, kiểm tra xuất xứ gỗ dán xuất khẩu, nhập khẩu của các cơ quan hải quan từ năm 2018 đến nay. Đồng thời, tăng cường biện pháp kiểm tra xuất xứ, hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dán của các doanh nghiệp.