Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cơ hội nào cho Việt Nam?

Sau khi tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối tuần trước, Mỹ đang xúc tiến quy trình áp thuế 25% lên khoảng 325 tỷ USD hàng hóa nữa. “Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực bình luận.
TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào 2 trong 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam?

Mỹ đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 10%, tức là thấp hơn rất nhiều so với mức thuế suất 25% mà Mỹ vừa đánh vào hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 10/5/2019. Như vậy, tính đến nay, khoảng 250 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 25%.

Chưa hết, Mỹ đang xúc tiến quy trình áp thuế 25% lên khoảng 325 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tức là toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.

Như vậy, ở thị trường Mỹ, hàng hóa của Việt Nam và của các nước bị áp thuế nhập khẩu dưới 25% sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc cũng tương tự, hàng hóa của Việt Nam và các nước không bị tăng thuế sẽ cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Điều đặc biệt là, những mặt hàng chủ lực mà Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ như may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện… sẽ được hưởng lợi sau khi các mặt hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế 25%.

Cơ hội đã mở ra, thưa ông?

Cơ hội không chỉ mở ra với Việt Nam, mà mở ra bình đẳng với các nước xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Nhiều nước khác cũng tranh thủ cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện… vào Mỹ.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng kể trên và đang trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu mặt hàng may mặc, giày dép, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, điện tử, điện thoại và linh kiện… lớn nhất vào thị trường Mỹ.

Theo tính toán, nhiều khả năng, Việt Nam tranh thủ được 20 - 25% thị phần, tương đương 18 - 23 tỷ USD trong tổng số 66 tỷ USD hàng tiêu dùng, thực phẩm và 25 tỷ USD hàng điện tử, điện thoại và linh kiện Mỹ đang phải nhập khẩu.

Các mặt hàng tư liệu sản xuất, thiết bị công nghiệp, phương tiện vận tải… của Trung Quốc cũng bị Mỹ áp thuế 25%. Rất tiếc là chúng ta không tận dụng được cơ hội để “thay thế hàng Trung Quốc”, vì không có thế mạnh. Trên thực tế, các mặt hàng này nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ chỉ chiếm 0,5-1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tư liệu sản xuất, thiết bị công nghiệp, phương tiện vận tải. Tuy nhiên, nếu tận dụng được cơ hội, Việt Nam cũng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này vào Mỹ.

Thưa ông, tính toán trên chỉ là trên lý thuyết?

Trên lý thuyết thì như vậy, còn thực tế, doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được lỗ hổng trên thị trường Mỹ do hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để lại hay không lại là chuyện khác, vì nước nào cũng muốn xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường Mỹ để thay thế hàng Trung Quốc.

Hơn nữa, để đối phó với việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc có thể phá giá đồng nội tệ, như vậy hàng hóa của Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh sẽ tăng lên. Khi đó, hàng hóa của Trung Quốc không chỉ tăng sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ mà còn cạnh tranh trên các thị trường khác và ngay trên chính thị trường Việt Nam.

Hàng hóa của Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ và ngược lại, hàng hóa của Mỹ không xuất khẩu được vào Trung Quốc sẽ tìm cách vào các thị trường khác. Do vị trí địa lý “núi liền núi, sông liền sông”, nên hàng hóa dư thừa của Trung Quốc sẽ gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, chủng loại, hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục gây sức ép khá lớn đến thị trường hàng hoá Việt Nam, nhất là sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đồng thời, khi Trung Quốc không xuất khẩu được hàng hóa sang Mỹ, sẽ phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc sẽ giảm. Điều này tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Những điều chỉnh trên sẽ khiến nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ tác động tới thương mại toàn cầu, mà còn tác động đến cả hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài?

Không chỉ có doanh nghiệp Mỹ, mà doanh nghiệp nhiều nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc từ lâu đã có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang nước khác, trong đó có Việt Nam. Căng thẳng thương mại sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài “chia tay” Trung Quốc, nên đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn như Procon Pacific, Brooks…, thậm chí cả Apple.

Hiện tại, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 9,33 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 7,5 tỷ USD, chỉ chiếm 4,5% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Rõ ràng, vị thế đầu tư vào Việt Nam của Mỹ không tương xứng với nền kinh tế số một thế giới. Vì vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là cơ hội để doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Lũy kế đến hết năm 2018, Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực, với tổng vốn gần 13,4 tỷ USD, chiếm gần 4% tổng số vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam, xếp thứ 7/129 nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam 1,3 tỷ USD, gấp 5,6 lần cùng kỳ năm 2018 và chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký mới. Tôi cho rằng, thu hút đầu tư từ Trung Quốc của Việt Nam dự kiến sẽ không bị tác động xấu bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tin bài liên quan