Căng thẳng thuế quan và cơ hội bứt phá du lịch nội vùng

0:00 / 0:00
0:00
Căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt từ chính sách thuế cao của Hoa Kỳ, đang tác động mạnh đến ngành du lịch châu Á, nhưng cũng mở ra cơ hội để du lịch nội vùng trỗi dậy và tái cơ cấu chiến lược phát triển bền vững.
Các diễn giả trong phiên tọa đàm tại Hội thảo Cập nhật xu hướng du lịch, chính sách thuế và chuyển đổi số - Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch bứt phá”, do CLB Lữ hành UNESCO tổ chức, chiều 11/4/2025.

Các diễn giả trong phiên tọa đàm tại Hội thảo Cập nhật xu hướng du lịch, chính sách thuế và chuyển đổi số - Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch bứt phá”, do CLB Lữ hành UNESCO tổ chức, chiều 11/4/2025.

Đó là một trong những nội dung được ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến, Cục Du lịch Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo Cập nhật xu hướng du lịch, chính sách thuế và chuyển đổi số - Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch bứt phá” (Meet Hanoi 2025), do Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức, chiều 11/4/2025.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh thế giới liên tục biến chuyển, ngành du lịch toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, với những làn sóng thay đổi đến từ xu thế phát triển bền vững, nhu cầu trải nghiệm cá nhân hóa, cũng như sự gia tăng đáng kể vai trò của công nghệ số trong hành trình du khách.

“Những chuyển động này không chỉ tạo ra cơ hội mà còn đặt ra thách thức đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng, tư duy chiến lược và sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch”, ông Trương Quốc nhận định và cho biết, Hội thảo “Cập nhật xu hướng du lịch, chính sách thuế và chuyển đổi số - Cơ hội cho doanh nghiệp du lịch bứt phá” được tổ chức như một sự kiện mang tính tiên phong, nhằm mục tiêu kết nối, chia sẻ và đồng kiến tạo những giá trị mới cho ngành du lịch và nền kinh tế số Việt Nam.

“Đây là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia cùng nhau cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất, từ thay đổi hành vi du lịch hậu Covid-19, đến vai trò ngày càng quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các nền tảng số trong việc thiết kế, cá nhân hóa và tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch”, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.

Không những vậy, chương trình còn mở ra cơ hội cùng nhìn nhận, phân tích những điều chỉnh trong chính sách thuế và môi trường pháp lý, những yếu tố đang và sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động đổi mới, đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ.

Ông Trương Quốc Hùng tin tưởng, thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu, hoạt động kết nối thực chất và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý sẽ cùng nhau mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, góp phần định hình một hệ sinh thái du lịch số hiện đại, năng động và hội nhập quốc tế.

“CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội luôn cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn kết cộng đồng và kiến tạo nên một tương lai phát triển bền vững cho ngành du lịch Việt Nam”, ông Trương Quốc Hùng bày tỏ.

Chia sẻ về chủ đề "Xu hướng du lịch trong năm 2025 và xu hướng tương lai", ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến, Cục Du lịch Việt Nam cho biết, UN Tourism dự báo đến năm 2030, thế giới sẽ đón 1,8 tỷ lượt khách du lịch quốc tế, trong đó Đông Nam Á vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách. Châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng đón 535 triệu lượt khách, dẫn đầu toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nguồn lớn nhất, ảnh hưởng mạnh tới chính sách phát triển du lịch nhiều quốc gia.

Du lịch toàn cầu phục hồi mạnh nhưng đối mặt nhiều thách thức: bất ổn kinh tế, địa chính trị, giá dầu biến động, chi phí vận chuyển, lưu trú tăng cao, thiếu hụt lao động. Trong bối cảnh đó, xu hướng du khách đang dịch chuyển về các trải nghiệm bền vững, khám phá điểm đến ít người biết đến, du lịch cá nhân hóa, sức khỏe, sinh thái, công nghệ cao...

Cách mạng công nghiệp 4.0, hàng không giá rẻ, du thuyền hiện đại và vai trò thị trường nội địa, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, là động lực tăng trưởng du lịch. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế cao với nhiều quốc gia châu Á, đơn cử Trung Quốc bị áp mức thuế 125%, đang gây tác động tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, việc Mỹ áp thuế cao với các nước châu Á làm giảm thu nhập và niềm tin tiêu dùng, từ đó tác động trực tiếp đến du lịch. Lượng khách châu Á đến Mỹ giảm mạnh do visa siết chặt và chi phí tăng; ngược lại, khách Mỹ cũng e dè tới châu Á.

Trong bối cảnh đó, du lịch nội vùng châu Á đang nổi lên như giải pháp khả thi, giúp các quốc gia tái cơ cấu chiến lược, giảm phụ thuộc vào thị trường phương Tây.

Để tiếp tục đà tăng trưởng trong tình hình mới, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng ngành du lịch cần đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến, quảng bá. Việc ứng dụng công nghệ số và nền tảng trực tuyến là then chốt để nâng cao hiệu quả truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác công - tư, tận dụng nguồn lực doanh nghiệp và địa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm và tiềm năng với các chiến dịch quảng bá phù hợp.

Song song, cần phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên vùng miền; nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo trải nghiệm kết hợp truyền thống và hiện đại để đáp ứng nhu cầu đa dạng.

Việc đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ sẽ giúp hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, thân thiện môi trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Cùng với đó là phát triển hạ tầng giao thông, nâng chất lượng dịch vụ và thông tin du lịch.

Ngoài ra, cần mở rộng chính sách miễn, điện tử hóa thị thực, đơn giản hóa thủ tục, tăng hợp tác quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật, tăng năng lực quản lý nhà nước và phối hợp hiệu quả các bên trong phát triển du lịch bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu còn được ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế, Chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực Thuế chia sẻ thông tin về cập nhật thay đổi pháp luật Thuế tác động đến hoạt động du lịch.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số đã chia sẻ tới các đại biểu chủ đề Ứng dụng AI và Dữ liệu thông minh trong Quản trị doanh nghiệp.

Các đại biểu đã cùng thảo luận sôi nổi trong phiên tọa đàm Cập nhật chính sách thuế, ứng dụng AI và xu hướng du lịch tương lai cùng với 6 chuyên gia: Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng xúc tiến, Cục Du lịch Việt Nam; ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó giám đốc Tư vấn chuyển đổi số Công ty CP MISA và bà Nguyễn Thị Huế, nhà sáng lập kiêm CEO Trung tâm Đào tạo Kế Toán Huế Chiaki.

Tin bài liên quan