Chỉ số S&P 500 đã giảm 1% ngay khi mở cửa sàn giao dịch New York, sau khi đã kết thúc tháng trước ở mức cao kỷ lục.
Việc thị trường vẫn tăng điểm trong ngày cuối tuần trước chỉ nói nên rằng, đang có một sự ngắt quãng giữa tâm lý nhà đầu tư và diễn biến ở Ukraine. Những việc Nga can thiệp đưa quân vào bán đảo Crimea vào cuối tuần qua đã nhen nhóm nên những đồn đoán về một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai - hay có thể tiềm tàng một cuộc chiến tranh nóng - và các nhà đầu tư không còn bỏ qua cuộc xung đột này.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên vừa bắn hai quả tên lửa tầm ngắn trong một động thái bày tỏ sự phản đối với cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc - bắt đầu cuối tuần trước.
Tại châu Á, cổ phiếu đã đồng loạt rớt giá mạnh. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 2%, trong khi chỉ số tổng hợp Kospi của Hàn Quốc mất 0,9% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông thoái 0,7%.
Giá dầu thô Brent đã tăng 1,8%, mức tăng cao nhất trong 1 ngày kể từ 7/1, lên mức cao nhất trong năm nay là 110,96 USD/thùng.
Giá vàng cũng tăng 16,8 USD/ounce, hay 1,3%, lên 1.343 USD/ounce ngay đầu ngày, sau đó tăng tiếp và đã chạm mức 1.350 USD/ounce vào lúc 15h chiều nay, theo giờ Việt Nam.
Chứng khoán Tokyo giảm mạnh hơn do chịu thêm sức ép từ việc đồng Yên mạnh lên, ảnh hưởng đến cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng tiền này đã tăng 0,4% so với đồng USD, lên mức 101,4 JPY/USD và tăng 0,6% so với đồng euro, lên 139,7 JPY/EUR.
Chỉ số tổng hợp Thượng Hải là chỉ số chứng khoán duy nhất tăng điểm ở khu vực châu Á, với 0,2%, sau khi một cuộc khảo sát tư nhân trong khu vực sản xuất cho thấy tình hình ở khu vực này không thực sự bi đát như dự đoán.
Tại Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,5%, trong khi đồng đô la Australia giảm 0,2%, ngày thứ 5 liên tiếp, so với đồng USD, còn 0,89 USD/AUD, thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,7%.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 Index sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, cũng đã quay đầu giảm 1,6% xuống còn 332,58 điểm vào lúc 8h sáng nay, theo giờ London.