Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING cho biết, một cuộc xung đột tiềm ẩn có thể làm tăng khả năng gián đoạn dòng chảy hàng hóa. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng có thể phản ứng trong trường hợp xảy ra xung đột, dẫn đến các lệnh trừng phạt chống lại Nga có thể “tác động đến việc cung cấp một số mặt hàng cho các thị trường thế giới” và không có yếu tố nào trong số này đang được phản ánh lên thị trường hiện tại.
Các nhà đàm phán của Mỹ và Nga gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán về căng thẳng ở Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường quân sự dọc biên giới. Mỹ và các đồng minh đã xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu Moscow đưa quân qua biên giới Ukraine.
Chiến lược gia Patterson cho biết, khí đốt tự nhiên là một trong những mặt hàng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất nếu căng thẳng gia tăng.
“Ukraine là một tuyến đường trung chuyển quan trọng đối với các dòng chảy của Nga đến châu Âu và Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính cho EU, đáp ứng gần 50% nhu cầu nhập khẩu của khu vực”, ông cho biết.
Giá khí đốt tự nhiên năm ngoái tăng đột biến do nhu cầu toàn cầu cao hơn do thời tiết nóng nực của mùa hè và sản lượng năng lượng thấp hơn từ các tuabin gió đã góp phần khiến nguồn cung nhiên liệu giảm mạnh.
James Huckstepp, Giám đốc phân tích khí EMEA tại S&P Global Platts cho biết, châu Âu phụ thuộc vào việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine trong khi lượng dự trữ khí đốt của châu Âu đang thấp kỷ lục. Hiện tại, Đức vẫn chưa phê duyệt hoặc chứng nhận các dòng chảy qua “tuyến đường thay thế của Nga” là đường ống Nord Stream 2.
Sự gia tăng căng thẳng gần đây ở biên giới Ukraine khiến đường ống có nguy cơ bị trì hoãn thêm hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn, điều này sẽ dẫn đến “giá cả và sự biến động cực đoan tiếp tục diễn ra vào năm 2023”. Để đánh giá rủi ro đối với dòng chảy của Nga trong tương lai, các trader không chỉ cần theo dõi những gì xảy ra ở Nga, Ukraine và châu Âu, mà còn cả Washington vì là nơi các lệnh trừng phạt mới đối với Nord Stream 2 vẫn còn hiện hữu.
Chiến lược gia Patterson cho biết, một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Nga và Ukraine cũng có thể khiến thị trường lúa mì và ngô dễ bị tổn thương, vì cả hai quốc gia đều là những nhà cung cấp đáng kể cho những mặt hàng này.
Theo Peter Meyer, Trưởng bộ phận phân tích ngũ cốc và hạt có dầu tại S&P Global Platts, Ukraine dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 24 triệu tấn lúa mì trong năm hiện tại, chiếm gần 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, xuất khẩu ngô của nước này dự kiến sẽ đạt 32,5 triệu tấn, hay gần 16% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
"Bất kỳ sự gián đoạn nào tại các cảng Biển Đen đều có thể là động lực thúc đẩy thị trường nếu xung đột leo thang”, Peter Meye cho biết.
Giá ngô và lúa mì đã tăng vào mùa Xuân năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea. Dù thị phần xuất khẩu ngô toàn cầu của Ukraine vẫn giữ nguyên như 8 năm trước, nhưng tổng lượng ngô xuất khẩu của Ukraine đã tăng 62,5% kể từ đó và thị phần xuất khẩu lúa mì của nước này cũng tăng gần gấp đôi.