Căng thẳng gia tăng, chứng khoán đồng loạt giảm điểm

Căng thẳng gia tăng, chứng khoán đồng loạt giảm điểm

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước, căng thẳng gia tăng giữa 2 đồng minh trong NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khiến chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm mạnh.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cả trên mặt chính trị và kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Quan hệ giữa hai đồng minh NATO đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong một thập niên qua do mâu thuẫn liên quan đến vụ Ankara bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson năm 2016 với cáo buộc khủng bố.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 kết án tù chung thân 104 người với cáo buộc tham gia đảo chính bất thành năm 2016, khiến 240 người thiệt mạng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc mạng lưới của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống tại Mỹ, là chủ mưu vụ đảo chính.

Để trả đũa, Tổng thống Mỹ hôm qua cho biết sẽ đánh thuế gấp đôi lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tranh cãi giữa hai bên khiến đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất 16% giá trị, giảm xuống mức kỷ lục.

Căng thẳng giữa Ankara và Washington khiến giới đầu tư tìm đến những kênh trú ẩn rủi ro như USD, khiến đồng bạc xanh tăng mạnh. Trong khi đó, không chỉ căng thẳng chính trị, việc cổ phiếu công nghệ giảm sau khi Goldman Sachs hạ mức cổ phiếu Intel xuống mức “bán” khiến phố Wall giảm sâu trong phiên thứ Sáu.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones giảm 196,09 điểm (-0,77%), xuống 25.313,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,30 điểm (-0,71%), xuống 2.833,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,67 điểm (-0,67%), xuống 7.839,11 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến S&P 500 chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp và còn cách mức đỉnh lịch sử được thiết lập hôm 26/1 là 1,4%. Dow Jones cũng đảo chiều giảm trở lại trong tuần qua, trong khi Nasdaq nhờ đà tăng trong tuần của nhóm cổ phiếu công nghệ nên vẫn duy trì đà tăng trong tuần qua. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,59%, S&P 500 giảm 0,25%, trong khi Nasdaq tăng 0,35%.

Tương tự, lo ngại trước căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến chứng khoán châu Âu chao đảo trong phiên giao dịch cuối tuần trước, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng có quan hệ làm ăn với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, chứng khoán Đức giảm tới 2%, chứng khoán Pháp cũng mất gần 1,6%.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 74,76 điểm (-0,97%), xuống 7.667,01 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 251,76 điểm (-1,99%), xuống 12.424,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 87,56 điểm (-1,59%), lên 5.414,68 điểm.

Dù giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số FTSE 100 vẫn hồi nhẹ 0,10% sau khi giảm 0,55% trong tuần trước, trong khi chỉ số DAX 30 tiếp tục giảm 1,52% và chỉ số CAC 40 tiếp tục giảm 1,17%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất 1 tháng do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ, cùng nhóm vận tải. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm khá mạnh theo đà giảm của chứng khoán trong khu vực, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại lình xình và đóng cửa phiên cuối tuần với sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 300,31 điểm (-1,33%), xuống 22.298,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 240,68 điểm (-0,84%), xuống 27.366,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,93 điểm (+0,03%), lên 2.795,31 điểm.

Với các phiên giảm liên tiếp, đặc biệt là phiên cuối tuần, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục có tuần giảm 1,01% sau khi giảm 0,83% tuần trước đó, chỉ số Hang Seng cũng giảm 1,12% sau khi giảm 3,92% tuần trước đó. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lại đảo chiều hồi phục 2% sau chuỗi tuần giảm liên tiếp, đặc biệt là sau khi khi mất 4,63% trong tuần trước đó.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý giằng co mạnh trong phiên cuối tuần và có lúc tăng khá mạnh khi bước vào phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, với việc đồng USD tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị, giá vàng đã hạ nhiệt dần và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 10/8, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD (-0,07%), xuống 1.211,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 0,7 USD/ounce (-0,06%), xuống 1.219,2 USD/ounce.

Không như kỳ vọng của giới phân tích, giá vàng tiếp tục có tuần giảm, nhưng mức giảm nhẹ hơn nhiều so với tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay vẫn giảm 0,17% và giá vàng giao tháng 12 giảm 0,33%.

Dù giá vàng không hồi trở lại như kỳ vọng tuần trước, nhưng giới phân tích tiếp tục kỳ vọng lớn vào đà hồi phục trong tuần mới này. Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời tuần này, có 10 người, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ hồi phục trở lại, cao hơn nhiều so với mức 50% so với tuần trước đó; 3 người, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, thấp hơn mức 38% của tuần trước và 2 người, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, trong 694 lượt nhà đầu tư trả lời trực tuyến, có 311 người, chiếm 45% dự báo giá vàng sẽ hồi phục, cao hơn mức 32% của tuần trước, trong khi có 271 lượt người, chiếm 45% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn mức 57% của tuần trước và 112 lượt, chiếm 16% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt với Iran, cùng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ khiến giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 10/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,80 USD (+1,21%), lên 67,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+1,02%), lên 72,81 USD/thùng.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn không tránh khỏi có tuần giảm tiếp theo. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,26%, còn giá dầu thô Brent giảm 0,55%.

Tin bài liên quan