Căng thẳng dòng tiền đầu tư các đại dự án của ACV

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Cảng không Việt Nam-CTCP (ACV) sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp tài chính khắc khổ để có thể duy trì lượng tiền mặt tích lũy cho các đại dự án hạ tầng hàng không lớn.
Căng thẳng dòng tiền đầu tư các đại dự án của ACV

Thắt lưng, buộc bụng

Kế hoạch kinh doanh khắc khổ trong năm 2021 của ACV vừa nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - đơn vị đang nắm tới 95,4% vốn điều lệ tại doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác 22 cảng hàng không tại Việt Nam này.

Trong Văn bản số 79/UBQLV ngày 22/1/2021, CMSC cho biết là nhất trí với đề xuất của Người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV về những mục tiêu sơ bộ và các chỉ tiêu kinh doanh chính yếu của công ty mẹ - ACV trong năm 2021.

Cụ thể, trong năm 2021, tổng sản lượng hành khách qua các cảng hàng không do ACV quản lý đạt 86,4 triệu lượt (trong đó khách quốc nội là 75,5 triệu lượt, khách quốc tế là 10,9 triệu lượt); sản lượng hàng hóa đạt 1,4 triệu tấn (quốc tế đạt 0,943 triệu tấn, quốc nội là 0,467 triệu tấn); doanh thu đạt 13.258 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 5.025 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đầu tư tối đa không quá 7.000 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu kinh doanh này thực sự là một thách thức rất lớn đối với ACV, nhất là trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, trong đó các đường bay thương mại quốc tế - nguồn thu chủ lực của Tổng công ty chỉ có thể được nối lại sớm nhất vào đầu quý IV/2021.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng trong năm 2020, ACV chỉ đạt tổng doanh thu 10.133 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.312 tỷ đồng, lần lượt giảm 51% và 77% so với năm 2019.

“Mức chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2021 mà ACV theo đuổi tuy còn khoảng cách rất xa kết quả đạt được của năm 2019, nhưng cũng gần tương đương với mức bình quân chung của cả giai đoạn 2016 - 2019”, một lãnh đạo ACV cho biết.

Ngoài việc thống nhất với các đề xuất liên quan đến chỉ tiêu kinh doanh năm 2021, lãnh đạo CMSC cũng yêu cầu Người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV triển khai quyết liệt các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” để tiết giảm chi phí.

Trong Văn bản số 79, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch CMSC yêu cầu Người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư năm 2021 tiết kiệm, hiệu quả; báo cáo CMSC việc khởi công mới các dự án có tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

“ACV xem xét giãn, hoãn hoặc dừng đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới, chuyển tiếp chưa thực sự cần thiết, các dự án không có khả năng thu hồi vốn để tập trung nguồn lực, nguồn vốn đầu tư Dự án sân bay Long Thành - Dự án thành phần 3, các dự án trọng điểm có hiệu quả kinh tế như Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2, sân bay Nội Bài”, Chủ tịch CMSC chỉ đạo và nhấn mạnh, ACV chỉ đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả kinh tế, phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ưu tiên đầu tư phát triển

Cần phải nói thêm rằng, trước lo ngại nguy cơ thiếu hụt dòng tiền tích lũy do tác động của Covid-19 để đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng không mà ACV dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, CMSC cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế của ACV.

Theo đó, CMSC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV không áp dụng quy định tại khoản 17, Điều 1, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 về việc phân phối lợi nhuận sau thuế.

Cụ thể, đối với năm 2019, CMSC đề xuất lãnh đạo Chính phủ cho phép ACV được trích lập Quỹ đầu tư phát triển là 5.271,8 tỷ đồng, bằng 63,6% lợi nhuận sau thuế được phân phối, chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức 9% trên mệnh giá (không chia cổ tức bằng tiền mặt), tương ứng 1.959,3 tỷ đồng. Đối với năm 2020, sau khi trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp, Quỹ thưởng người quản lý theo quy định, toàn bộ lợi nhuận còn lại sẽ được ACV trích Quỹ đầu tư phát triển, không chia cổ tức cho các cổ đông để tích lũy dòng tiền cho đầu tư phát triển.

Trong các năm sau, ACV sẽ trích lập Quỹ đầu tư phát triển và chia cổ tức bằng cổ phiếu theo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Chủ tịch CMSC đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan này phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại ACV hoàn thiện phương án tăng vốn điều lệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc tăng vốn điều lệ bằng cổ tức được chia cho năm 2019 và các năm tài chính sau năm 2020 khi có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm.

Được biết, căn cứ quy định tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, ACV thuộc đối tượng chỉ được trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối vào Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại (sau khi trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp, Quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp) thực hiện chia hết cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền mặt cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, nếu không có Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ACV giai đoạn 2020 - 2025 rất khả quan, trong đó lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến là 71.624 tỷ đồng; tích lũy Quỹ đầu tư phát triển là 41.147 tỷ đồng; chia cổ tức bằng tiền mặt khoảng 7-9%. Dòng tiền tích lũy tăng thêm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 là 75.433 tỷ đồng, đủ để đầu tư các dự án hạ tầng hàng không lớn như kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, do Covid-19, ngoài việc bị sụt giảm mạnh lợi nhuận trong năm 2020, dự báo của các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế cho thấy, khả năng phục hồi của thị trường hàng không về mức như năm 2019 sớm nhất là từ năm 2023. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tích lũy nguồn tiền để đầu tư các cảng hàng không hiện hữu của ACV trong giai đoạn 2021 - 2025.

Do tác động tiêu cực của Covid-19, dự kiến lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2020 - 2025 của ACV chỉ còn 38.857 tỷ đồng, bằng 54% so với dự kiến trước đây, giảm tương ứng 32.767 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc tăng dòng tiền tích lũy cho ACV là rất cấp thiết, đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ kép, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ACV có hiệu quả, hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm với chi phí thấp; tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.

Tin bài liên quan